Cô gái khuyết tật và nhà hàng hạnh phúc ở Đà Nẵng

Định Yên. Ảnh: VTV | 25/05/2023, 18:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Hành trình vươn lên của cô gái khuyết tật Hồ Thị Hương Thảo sẽ được kể trong Trạm yêu thương, chủ đề “Ngược dòng”.

Mất đi đôi chân từ năm 6 tuổi sau cơn bạo bệnh và không thể đến trường, nhưng chị Hồ Thị Hương Thảo (sinh năm 1981, Đà Nẵng) đã không ngừng nỗ lực vươn lên, trở thành bà chủ và tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ.

Với đôi nạng gỗ, ngày ngày chị Thảo vẫn thoăn thoắt qua quầy bar, nhà bếp… để làm cầu nối giữa khách hàng với nhân viên khiếm thính của mình và đôi khi giữa những nhân viên khiếm thính với nhau.

tram-yeu-thuong-da-nang-2-.jpg
Chị Hồ Thị Hương Thảo đến với chương trình "Trạm yêu thương".

Xuất hiện trong Trạm yêu thương với một khay bánh ngọt đẹp mắt, chị Thảo tự hào giới thiệu đó là sản phẩm do chính chị và nhân viên khuyết tật ở cửa hàng mình làm ra. Những chiếc bánh được làm bằng một công thức đặc biệt với sự yêu thương của cô giáo người nước ngoài đã giúp chị có một việc làm như ngày hôm nay.

Kể về lý do mình gắn với cây nạng gỗ, chị Thảo hồi tưởng lại những ngày thơ bé ở quê nhà ở Quảng Nam. Vốn sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ khác, di chứng sau cơn sốt năm 6 tuổi đã khiến đôi chân của chị Thảo bị liệt.

Tuổi thơ của chị Thảo không phải là những ngày tháng cắp sách đến trường hay chơi đùa cùng bạn bè mà phải làm quen với những cơn đau, những ca mổ liên tục. Thấy bạn bè đi học, chị Thảo cũng xin ba mẹ cho đến trường học thử.

tram-yeu-thuong-da-nang-4-.jpg
Ba là người thầy đầu tiên và cũng là duy nhất của chị Hương Thảo.

“Buổi học đầu tiên cũng là buổi học cuối cùng của tôi trên ghế nhà trường. Ba mẹ tôi là giáo viên, rất chú trọng việc học hành của con cái, nhưng ba nói tình hình sức khỏe không cho phép tôi học ở lớp thật lâu. Sau đó, ba đưa tôi về nhà chỉ dạy cách đọc viết với câu chữ, làm toán. Tôi gọi ba là người thầy đầu tiên và cũng là duy nhất” - chị Thảo bồi hồi nhớ lại.

Đến năm 2001, bác sĩ thông báo Hương Thảo phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ đôi chân. Tuổi 20 của chị lại là chuỗi ngày tuyệt vọng gắn liền với đôi nạng gỗ. Khi ấy chị Thảo dần khép mình với thế giới bên ngoài và lảng tránh ánh nhìn quan tâm, soi mói của mọi người.

“Ba mẹ phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc tôi. Lúc đó tôi buồn lắm, luôn cảm thấy mình là gánh nặng của ba mẹ và tương lai không còn nữa” - chị Thảo tâm sự.

Một lần đi chơi trên Bà Nà, được một vị khách người nước ngoài giúp đỡ di chuyển và sau đó giới thiệu có một tổ chức hỗ trợ chỗ ở cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở Đà Nẵng, chị Thảo đã đăng ký ngay dù chưa biết mình ra đó để làm gì và lấy gì để sống.

tram-yeu-thuong-da-nang-3-.jpg

Những ngày đầu ở Đà Nẵng, chị Thảo làm đủ thứ nghề, tuy nhiên, đôi chân không lành lặn luôn là trở ngại khiến chị không thể gắn bó lâu với công việc nào. Gia đình khi đó cũng khó khăn, không có tiền để gửi cho chị, nên cô gái 8X quyết tâm phải tìm một công việc nào đó để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Năm 2005, chị Thảo có dịp gặp gia đình bà Kathleen Huff - chủ của Bread of Life - cô giáo của dạy bánh của chị sau này. Từ những ngày đầu xin cô được đến cửa hàng xem các bạn khiếm thính làm việc, chị Thảo bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với họ, lâu dần chị được phân công giao thực đơn cho khách, nhận gọi món, về sau chuyển sang chăm sóc khách hàng.

Dần dần, Hương Thảo trở thành người hướng dẫn các nhân viên khiếm thính và kết nối họ với gia đình. Với chị Thảo đó chính là những tháng ngày giúp cuộc đời chị bước sang một trang mới.

Sau này, khi người chủ nước ngoài về nước, không muốn đồng nghiệp cũ - những nhân viên khuyết tật ở quán thất nghiệp, chị Hương Thảo ấp ủ dự định mở một nhà hàng mới.

tram-yeu-thuong-da-nang-5-.jpg

Năm 2015, chị hợp tác với một người bạn Canada thành lập cửa hàng mang tên Happy Heart. Từ khi hoạt động đến nay, cửa hàng của bà chủ 8X đã đào tạo nghề, tạo việc làm cho hàng chục thanh niên khuyết tật cũng như các bạn sinh viên người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ được đào tạo các kỹ năng để làm bồi bàn, các bạn còn được hướng dẫn các công việc ở bếp, chế biến các món ăn và cả làm bánh mì để sau này đi bất cứ đâu cũng có thể xin được việc.

Phóng sự đặc biệt của Trạm yêu thương với những chia sẻ chân thực của những nhân viên khuyết tật, những người bạn nước ngoài sẽ giúp khán giả phần nào hình dung về tấm lòng và sự tâm huyết của chị Hương Thảo.

tram-yeu-thuong-da-nang-1-.jpg

Chia sẻ về dự định trong tương lai, chị Thảo mong muốn cửa hàng của mình sẽ tiếp tục hoạt động ổn định, không chỉ tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật mà còn trở thành nơi giúp các bạn có cơ hội giao lưu, hoà nhập với cộng đồng. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào chắp cánh cho những ấp ủ nhân văn ấy bay xa hơn.

Chương trình Trạm yêu thương chủ đề “Ngược dòng” lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 27/5 trên kênh VTV1.

Bài liên quan
Vũ Thị Hải Anh - Cô gái khiếm thị nuôi ước mơ thành nhà báo
(GDTĐ) - Vũ Thị Hải Anh (sinh năm 2000 tại Nam Định) bị khiếm thị bẩm sinh do ảnh hưởng chất độc da cam của bố.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô gái khuyết tật và nhà hàng hạnh phúc ở Đà Nẵng