Học sinh lớp 1, 2 đứng ở cửa lớp xem cô dạy thế nào, xem tiếng Anh là gì. |
Khó khăn như thế, nên vào được buổi nào là cô giáo trẻ tranh thủ dạy hết sức: xin tiết, ghép lớp, thêm giờ... Học sinh háo hức học, có đứa thì ngóng cô, đứa lăng xăng lấy bàn ghép lớp. Học sinh lớp 4 chưa được học tiếng Anh nên đứng ngoài cửa hóng; học sinh lớp 1, 2 cũng đứng ở cửa lớp xem cô dạy thế nào, xem tiếng Anh là gì. Cô cứ để vậy, không lỡ đuổi. Những ánh mắt học trò háo hức như nuốt từng con chữ vun đắp tình yêu của cô Nguyễn Thị Như Thảo với nghề dạy học, với vùng đất khó khăn Bắc Yên từng ngày.
Vậy nên, chẳng những không hối hận với quyết định lên vùng cao dạy học, cô còn coi đây là những ngày tháng đáng nhớ, đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân.
Cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo sau khi vượt quãng đường 20km từ khu trung tâm Trường Phổ thông DTBT Tiểu học xã Hang Chú đến khu Suối Lềnh. |
“Con người ta chỉ cảm thấy có ích khi biết rằng đâu đó đang cần mình, mình có một nơi để thuộc về”. Mượn lời thoại bộ phim đã làm thay đổi cuộc sống của mình (Mùa xuân ở lại), cô Thảo chia sẻ nguyện ước thật giản dị của mình, cũng là mong mỏi của một học sinh lớp 5 gửi gắm trong bài dự thi an toàn giao thông: “Ước gì con đường bản được trải nhựa để cô giáo vào dạy cho chúng em được dễ dàng”.
“Đọc bài văn của học trò mới hiểu các em muốn được học với cô thế nào. Em cũng mong muốn có con đường 20 km trải nhựa hoặc đổ bê tông cho học trò được từ bản ra trung tâm xã đi học. Các thầy cô mầm non, tiểu học sẽ an toàn, dễ dàng đi vào điểm trường, nhất là khi mùa mưa bão”, cô Như Thảo bày tỏ.
Cô giáo Nguyễn Thị Như Thảo lên lớp tiết tiếng Anh. |
Gắn bó với học trò vùng cao, cô Thảo đồng thời mong muốn cơ sở vật chất trường lớp, đời sống học sinh được quan tâm hơn nữa. Ví dụ như đồ dùng, trang thiết bị học tập; máy tính, internet để ứng dụng công nghệ vào dạy học, giúp học sinh có thể dễ dàng hơn trong tiếp cận với tri thức.
Thương trò, cô thường vận động để quyên góp, hỗ trợ các em những đồ dùng thiết thực như sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, cặp lồng, quần áo, giầy tất... Nhưng những câu chuyện nhỏ về cuộc sống của trẻ em trên bản, về vùng cao do cô chia sẻ đã kết nối được nhiều hơn những tấm lòng. Nhờ vậy, cô giúp được học sinh nhiều hơn, trong đó có 200 đôi giày mới, một dự án thư viện trị giá tầm 30 triệu, một chuyến xe nghĩa tình hơn 100 triệu và 1 lần xây bếp hơn 100 triệu đồng.
“Nhìn học trò mang cơm bằng cặp lồng thay vì túi nilon, có giầy tất để đi giữa giá lạnh, có đủ đầy sách vở, được ăn những chiếc bánh cái kẹo ngon mà lần đầu chúng biết tới, thấy hạnh phúc vô cùng”, cô giáo trẻ chia sẻ.