(GDTĐ) - Cô giáo Hà Linh Hương (trường Tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) là một tấm gương năng động, sáng tạo trong việc dạy SGK mới theo Chương trình GDPT 2018 và ứng dụng công nghệ trong dạy học.
Đổi mới, sáng tạo trong dạy học
Ngôi trường Tiểu học Thịnh Liệt nằm trên một con phố nhỏ với những dãy bằng lăng nở hoa tím biếc. Đây là một ngôi trường có bề dày truyền thống dạy và học đạt nhiều thành tích cao của Quận Hoàng Mai.
Có được điều đó, ngoài sự nỗ lực vươn lên của các em học sinh thì một phần không nhỏ phải kể đến, đó là sự tâm huyết, sáng tạo và cống hiến của tập thể giáo viên nhà trường. Một trong số những thầy cô giáo tiêu biểu của trường đó là cô giáo Hà Linh Hương - một cô giáo trẻ nhưng đầy lòng nhiệt huyết và yêu nghề.
Ra trường được gần 10 năm, cũng là ngần ấy năm cô gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Hình ảnh cô miệt mài bên những trang giáo án hay chiếc máy tính cá nhân của mình để nghiên cứu và tìm tòi những phương pháp, hình thức tổ chức sáng tạo, hiệu quả cho mỗi tiết học đã trở thành những hình ảnh quen thuộc hàng ngày.
Sự sáng tạo đó càng được thể hiện rõ nét hơn khi năm học 2022-2023, khối lớp 3 (khối lớp cô Linh Hương đang giảng dạy) được thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cầm trên tay bộ sách Cánh Diều với nhiều nội dung bài học, các thức tiếp cận và yêu cầu cần đạt hoàn toàn mới, cô Linh Hương cùng đồng nghiệp của mình không tránh khỏi sự bỡ ngỡ và khó khăn bước đầu.
Theo cô đánh giá, SGK Cánh Diều mới theo Chương trình GDPT 2018 giúp học sinh tiếp cận kiến thức tốt do có sự cập nhật thực tế và dễ vận dụng kiến thức, điều đó giúp các em hào hứng học tập. Kênh hình, kênh chữ của bộ sách rõ ràng, có hình ảnh đẹp, phân phối chương trình và thời lượng học phù hợp với sự tiếp thu của học trò.
Để tiếp cận với bộ sách giáo khoa mới, khắc phục khó khăn chung, cô và đồng nghiệp đã chủ động tìm hiểu chương trình, tham gia các khoá tập huấn của Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, của nhà trường đồng thời tìm các phương pháp mới để học sinh tiếp thu kiến thức chủ động hơn và nhớ bài lâu hơn.
Cô Linh Hương đã không ngại đưa vào thử nghiệm nhiều biện pháp khác nhau nhằm tìm ra những cách làm phù hợp và hiệu quả nhất. Qua những lần thử nghiệm đó, cô đúc rút được cho mình 4 hoạt động đổi mới, sáng tạo trong dạy học mang lại những hiệu quả thiết thực, đó là: Phát huy trải nghiệm của học sinh; đóng vai và trò chơi học tập; khai thác thế mạnh của việc ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường đồ dùng, thiết bị, phương tiện trực quan.
Cô Linh Hương chia sẻ: “Tôi đã thử nghiệm khá nhiều các biện pháp, thay đổi nhiều hình thức trong các tiết học. Có những biện pháp đạt hiệu quả tốt nhưng cũng có những biện pháp chưa thực sự phù hợp. Sau mỗi lần áp dụng, tôi đều ghi chép lại ưu nhược điểm của mỗi biện pháp đó để lựa chọn cho phù hợp.
Bản thân tôi thấy rằng, việc phát huy trải nghiệm của học sinh trước đây cũng đã có đề cập đến song chưa được chú trọng. Nhưng nếu khai thác kinh nhiệm của học sinh để bắt đầu bài học mới sẽ làm cho bài học được phát huy một cách tự nhiên và thoải mái hơn, từ đó, các em không còn áp lực về việc phải hoàn thành các yêu cầu của hoạt động mà đơn giản chỉ là sự chia sẻ những điều mình biết.”.
Cô Linh Hương đã ứng dụng những phương pháp dạy học mới vào môn Tiếng Việt của mình. Trong hoạt động Chia sẻ của chủ điểm “Anh em một nhà”, SGK Cánh Diều Tiếng Việt 3, tập 2 (trang 45). Thay vì cô giáo gọi các bạn trả lời câu hỏi của SGK, cô giáo nhờ một bạn học sinh đóng vai phóng viên hỏi các bạn trong lớp một số câu hỏi như: Bạn biết các dân tộc nào? Bạn biết các dân tộc đó nhờ thông tin ở đâu? Học sinh rất hào hứng khi được chia sẻ với các bạn về những dân tộc mình đã biết.
Một số học sinh còn chuẩn bị cả tranh ảnh mình đã chụp cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi mình từng được đi du lịch cùng gia đình. Các em học sinh thi nhau xin phát biểu và chia sẻ một cách rất tự nhiên.
Cô Linh Hương chia sẻ thêm: “Học sinh bây giờ được học chương trình giáo dục mới, SGK mới. Các bạn ấy không gò bó, khuôn mẫu trong các câu trả lời mà tự do sáng tạo. Chính vì thế, các hình thức cũng cần thay đổi để phù hợp với học sinh hơn”.
Với cách học mới hiện nay, khi được cô giáo giao nhiệm vụ, các em học sinh chủ động nhóm thảo luận để thống nhất về nội dung, phân vai, cách thể hiện cho các bạn trong nhóm. Các em đóng vai một cách tự nhiên, có nhiều sự sáng tạo trong lời thoại và cách xử lý tình huống.
Mặt khác, cô thường xuyên áp dụng các trò chơi hấp dẫn trong tất cả các hoạt động của tiết học từ khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập hay đến phần vận dụng trải nghiệm. Một số trò chơi gây được hứng thú cho học sinh như: Ai nhanh - Ai đúng, Đuổi hình bắt chữ, Rung chuông vàng, Vòng quay kì diệu, Trò chơi vũ điệu hoá đá. Theo cô Linh Hương, đây là hình thức dạy học rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi của học sinh tiểu học.
Những thay đổi và sáng tạo của cô đã mang lại những kết quả thực sự đáng ghi nhận: Trong các tiết học, học sinh đã chăm chú nghe giảng, tích cực suy nghĩ, hăng hái phát biểu xây dựng bài, thực hiện đầy đủ các bài tập giáo viên giao, kể cả với những môn mà trước đây học sinh “ngại” học như Tiếng Việt. Tỉ lệ học sinh tích cực học tập môn Tiếng Việt đạt 79,5% đã tăng 27,2% so với đầu năm học.
Với sự nỗ lực, sáng tạo trong giảng dạy, cô Hà Linh Hương đã đạt được một số thành tích nổi bật như: giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi quận Hoàng Mai, cấp Tiểu học năm học 2023-2024; giải Nhất Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố Hà Nội, cấp Tiểu học năm học 2023-2024; giải Nhất Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử, sản phẩm CNTT/STEM quận Hoàng Mai, cấp Tiểu học năm học 2023-2024; giải Khuyến khích cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử, sản phẩm CNTT/STEM Thành phố Hà Nội, cấp Tiểu học năm học 2023-2024
Ứng dụng công nghệ trong giảng dạy
Ngày nay, khoa học công nghệ ngày càng phát triển đòi hỏi giáo viên cần khai thác thế mạnh của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Hiểu được điều đó, với ưu thế là một giáo viên trẻ thường xuyên được tiếp xúc với CNTT, cô Linh Hương đã mạnh dạn tìm tòi để ứng dụng CN trong các tiết học của mình.
Các phần mềm cô Linh Hương đã ứng dụng trong dạy học gồm Padlet, Quizizz, Kahoot, Canva... Đây là những phần mềm đã được sử dụng từ khá lâu và đặc biệt có hiệu quả. Được biết, ngay từ khi những phần mềm này mới xuất hiện, cô đã tự tìm tòi đồng thời đăng ký thêm các lớp học để nâng cao kĩ năng sử dụng của mình. Nhờ đó, trong giai đoạn học trực tuyến (đợt cách ly do dịch Covid), lớp học được cô chủ nhiệm vẫn học tập rất hào hứng và hiệu quả. Những ứng dụng này giúp cô giao bài tập củng cố kiến thức cho học sinh; hỗ trợ cha mẹ học sinh trong việc ôn tập kiến thức cho các con; học sinh chuẩn bị bài và gửi cho cô giáo và các bạn cùng quan sát, học tập; làm bài tập trắc nghiệm ngay trên lớp,…
Tuy nhiên, những ứng dụng kể trên nếu muốn đưa vào các tiết học cũng có những tồn tại nhất định. Mỗi học sinh đều cần có một máy tính hoặc thiết bị điện tử thông minh có kết nối mạng. Điều kiện cơ sở vật chất hiện tại của lớp chưa đáp ứng được điều đó nên cô mong muốn tìm tòi một phần mềm khác dễ ứng dụng hơn. Vì vậy, phần mềm Plickers đã được cô đưa vào các tiết học.
Cô chia sẻ về việc ứng dụng phần mềm Plickers: “Tôi xây dựng câu hỏi trên phần mềm, học sinh tham gia trả lời câu hỏi bằng cách giơ thẻ mã. Giáo viên quét mã và kiểm soát kết quả trên phần mềm. Từ đó, tôi có thể biết được đáp án của tất cả học sinh trong lớp và số lượng học sinh lựa chọn ở mỗi đáp án. Với hình thức này, học sinh rất vui khi thấy tên mình được hiển thị trên màn hình”.
Ngoài các dụng cụ, đồ dùng dạy học sẵn có tại trường, cô Linh Hương cũng chủ động tự làm các sản phẩm riêng để phục vụ nhu cầu dạy học, kể đến như: phiếu bài tập, hình con rối mô phỏng nhân vật, sản xuất video, các thẻ từ để gắn bảng, bảng nhóm. Cô Linh Hương quan niệm, việc sử dụng đồ dùng dạy học tự làm sẽ giúp học sinh được trải nghiệm thực tế, từ đó áp dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn tốt hơn.
Đánh giá về đồng nghiệp, cô giáo Trần Thị Thủy - Khối trưởng Khối 3 nhận định: “Cô giáo Linh hương là một cô giáo có chuyên môn rất vững vàng. Ngay từ khi mới về trường, cô Linh Hương đã rất ham học hỏi và giàu sự sáng tạo. Ở cô có sự điềm đạm, thân thiết và gần gũi nên rất được học sinh yêu quý. Tôi đã dự giờ nhiều tiết học, kể cả các tiết đột xuất và ở tiết học nào cô cũng thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết của mình trong từng hoạt động, từng trang giáo án để truyền thụ kiến thức cho học trò tốt hơn.”.
Không chỉ học sinh mà cả động nghiệp đều rất quý mến cô Linh Hương. Bởi cô luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, lan toả những điều mình đã làm tốt đến bạn bè và đồng nghiệp của mình.
“Với riêng tôi, một người thầy tâm huyết sẽ truyền cảm hứng cho học sinh để phát huy được sự chủ động, sáng tạo của các em bởi hứng thú là mạch nguồn của sự sáng tạo”, cô Linh Hương nói.
“Cô giáo Linh Hương là một cô giáo trẻ nhưng có chuyên môn tốt, nghiệp vụ vững vàng và rất tâm huyết với nghề. Cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp trong từng bài giảng để giúp cho học sinh tiếp thu bài một cách chủ động, hứng thú, tích cực và hiệu quả. Những giờ dạy của cô luôn cuốn hút học sinh ngay từ những phút đầu tiên. Tiết học được cô linh hoạt đổi mới các phương pháp giảng dạy một cách sáng tạo giúp học sinh có cơ hội được phát huy hết năng lực riêng của bản thân. Do đó, học sinh lớp cô chủ nhiệm luôn chủ động trong giờ học, các tiết học diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái mà vẫn đạt hiệu quả cao”. Nhà giáo Nguyễn Thị Thương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thịnh Liệt cho biết