Gần 30 năm trong nghề, chưa ngày nào cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm ngừng nỗ lực để dành điều tốt đẹp nhất cho học sinh.
Luôn tâm niệm, học trò vùng khó đã gặp nhiều thiệt thòi, nên có thể làm gì tốt cho các em, cô không quản ngại.
Cô Ngô Thị Thanh Tâm hiện là giáo viên Trường Tiểu học & THCS Tân Nguyên (Yên Bình, Yên Bái) đã có 28 năm giảng dạy ở vùng khó khăn.
Cô Tâm cho biết, từ khi còn trẻ đã yêu nghề giáo. “Tôi ấn tượng với nghề giáo khi được các thầy, cô giáo quan tâm trong quá trình học tập. Những cử chỉ ân cần, thân thiện của thầy cô khiến tôi dấy lên ước mơ sau này sẽ trở thành người gieo chữ”, cô kể.
Năm 1996, cô Tâm tốt nghiệp sư phạm, được phân về công tác tại Trường Tiểu học xã Đại Đồng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Đến năm 2009, cô nhận quyết định lên dạy học ở Tân Nguyên. Nơi đây, cô Tâm đã có kỷ niệm đáng nhớ - nhận bằng khen điển hình tiên tiến 5 năm liền, và được tham dự hội nghị điển hình tiên tiến huyện Yên Bình.
Ngay sau đó, năm 2012 cô giáo Thanh Tâm lại vinh dự nhận được danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh”. Điều này khiến cô có thêm đam mê, động lực phấn đấu rèn luyện trình độ chuyên môn để truyền đạt cho học sinh.
Cô Tâm chia sẻ: Trường Tiểu học & THCS Tân Nguyên đã có nhiều thay đổi, từ khi còn là dãy nhà lá, đến nay cơ sở vật chất của trường khang trang. Tuy nhiên, hoàn cảnh của nhiều học sinh nơi đây vẫn khó khăn. Các em thiệt thòi so với bạn cùng trang lứa ở những địa phương khác. Đây chính là động lực để cô Tâm và đồng nghiệp nỗ lực, phấn đấu dạy tốt, giúp học sinh tiếp nhận kiến thức, không vì khó khăn hay sợ học mà bỏ học.
“Các thầy, cô giáo nơi đây luôn mong muốn nhìn thấy học sinh của mình tiến bộ, có thành tích nhất định trong học tập. Bởi điều đó giúp các em có được tương lai tươi sáng hơn. Sự thay đổi tích cực với mỗi học trò chính là hạnh phúc đối với chúng tôi chứ không phải những danh hiệu hay thành tích”, cô Tâm tâm sự.
Cuộc sống riêng khá vất vả, nhưng cô Ngô Thị Thanh Tâm vẫn nuôi dạy 2 con trưởng thành, hiện là sinh viên của 2 trường đại học. Điều đó cũng giúp cô thấu hiểu và dành nhiều tình thương hơn với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
“Năm 2017, tôi nhận nuôi 1 học sinh dân tộc Nùng ở huyện Lục Yên, bố mẹ đi làm xa ở tận miền Nam, em ở nhà với họ hàng… Học sinh khác, có hoàn cảnh éo le, bố bị bệnh, mẹ đi làm xa nên tôi cũng động viên gia đình đồng ý để được nuôi dạy em. Có lẽ thấy được tình cảm chân thành của tôi nên gia đình đã đồng ý”, cô Tâm nhớ lại.
Kể từ đó, như một cái duyên, nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn cũng được cô Tâm nhận nuôi dạy ở ngay khu nhà công vụ giáo viên Trường Tiểu học & THCS Tân Nguyên.
Có thời điểm, cô Tâm nhận nuôi, dạy tới 6 học sinh. Phòng chỉ có 1 chiếc giường, học sinh nằm ngang, cô giáo nằm dọc. Sau mỗi giờ tan lớp, cô trò lại tíu tít nấu ăn như 1 gia đình nhỏ.
Cô Tâm tận dụng những khoảng đất của trường để trồng rau, chăn nuôi thêm. Rau cô trồng khi thu hoạch sẽ bán lại cho nhà bếp của trường. Số tiền thu về cô lại mua hoa quả, quà vặt, sách bút cho những học sinh mình nuôi dạy.
Cô Tâm chia sẻ: “Tôi được nhiều phụ huynh học sinh cho, biếu mớ rau hay con gà, con cá. Chính vì vậy, việc nuôi học sinh cũng phần nào được hỗ trợ và bớt khó khăn, các em cũng đầy đủ hơn. Tôi tự nguyện làm những công việc đó nên cảm thấy hạnh phúc, không khó khăn hay vất vả”.
Cũng chính bởi mong muốn được hỗ trợ, bù đắp cho học sinh hoàn cảnh khó khăn nên mỗi sáng dù phải dậy sớm giặt quần áo cho trò trước khi lên lớp; hay những ngày mùa Đông nấu nước tắm cho từng em…, cô không nản lòng.
Và như thấu hiểu tình thương của “người mẹ thứ 2”, những học trò nhỏ được cô nuôi dạy luôn ngoan ngoãn, nghe lời và học hành tiến bộ để đổi lại những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt “mẹ Tâm”.
Khi huyện Yên Bình tổ chức tập huấn giáo viên thí điểm STEM ở 5 trường nhưng chưa có trường mình, cô Tâm đã chủ động đi học “ké” dù không được giao nhiệm vụ.
“Trường tôi chưa tập huấn, cũng không phải trường nào cũng đưa STEM vào thí điểm. Nhưng thấy trường bên cạnh thực hiện giáo dục STEM, tôi mạnh dạn trao đổi với đồng nghiệp về nghiệp vụ. Tôi nhận thấy việc áp dụng STEM vào lớp học khiến học sinh hào hứng, phấn khởi trong học tập. Mặt khác, khi đồng nghiệp đưa thông tin lên nhóm về việc triển khai STEM tôi cũng muốn học hỏi, làm thử…”, cô Tâm chia sẻ.
Ngoài “làm thử” và thấy sự hào hứng của học sinh trong học tập, cô Tâm đã mạnh dạn lồng ghép STEM vào chương trình dạy học. Video clip cô Tâm nhờ đồng nghiệp quay lại, gửi tham dự cuộc thi STEM của Panasonic RISUPIA và báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức được ban giám khảo quan tâm. Qua đó, cô nhận “Giải trường học lan tỏa STEM” của ban tổ chức.
Thấy sự chủ động và quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy của cô Tâm, các nhà hảo tâm đã trao tặng Robot giáo dục KCBOT INO cho Trường Tiểu học & THCS Tân Nguyên để học sinh có cơ hội tiếp cận với giáo dục STEM tốt hơn.
Cô Tâm tâm sự: “Tôi thấy ở những nơi có điều kiện học tập tốt đã giúp học sinh phát triển, đặc biệt là trí thông minh, lòng ham học. Chính vì thế, tôi muốn học trò của mình cũng có cơ hội học những tiết học thú vị, bổ ích”.
Ông Nguyễn Văn Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Bình đánh giá cao tâm huyết của cô giáo Ngô Thị Thanh Tâm. “Phải có tấm lòng nhân ái, quyết tâm đổi mới, nâng cao chuyên môn mới có thể làm được những điều tuyệt vời như vậy.
Những tấm gương thầy cô bỏ tiền túi để nuôi dạy học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như cô Tâm cũng không nhiều nên rất đáng quý. Vừa qua, Bí thư huyện Yên Bình cùng phòng GD&ĐT đã trao tặng cô Tâm 1 chiếc tivi để có thêm điều kiện nuôi dạy học trò của mình tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Lịch thông tin.