Tốt nghiệp đại học, Ntaiya liên thông cao học. Cô lấy bằng Tiến sĩ Giáo dục của Đại học Pittsburgh rồi mới quay trở lại quê nhà. Đúng như lời hứa, năm 2009, cô thành lập Kakenya’s Dream, tổ chức phi lợi nhuận vì quyền lợi của trẻ em Maasai, đặc biệt là trẻ em gái.
“Tận sâu trong tâm khảm, tôi luôn mong sao không còn bất kỳ bé gái nào phải đầu hàng FGM chỉ vì muốn đi học giống như mình. Dần dà, nỗi mong mỏi này trở thành mục đích cuộc đời”, Ntaiya chia sẻ.
“Trong tâm thức người làng tôi, FGM là cột mốc quan trọng nhất cuộc đời. Không ai xem nó là xấu xa hay nguy hiểm, mà tôn trọng và kính cẩn thực hành. Tảo hôn cũng chỉ là một chuẩn mực văn hóa. Giá trị của phụ nữ được đo bằng sính lễ đón dâu, số lượng gia súc nhà trai trao đổi. Cả FGM lẫn tảo hôn đều là tập tục ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ, truyền từ mẹ sang con gái. Muốn chấm dứt chúng, cần thay đổi ý thức. Đây là chuyện mà chỉ giáo dục mới dần dà làm được, chứ không phải cưỡng chế”, Ntaiya suy tính.
Vì ước mơ trở thành cô giáo, Ntaiya chấp nhận hy sinh. Ảnh: IT |
Vào năm 2009, tuy đã qua gần 10 năm cấm FGM, 20% phụ nữ và trẻ em gái Kenya vẫn không tránh được hủ tục này. Tại các vùng sâu xa như làng của Ntaiya, tỷ lệ lên tới 80 – 90%. Ngay từ đầu, Ntaiya đã xác định “xóa bỏ FGM là chiến dịch trường kỳ”.
Kakenya’s Dream mở cửa với tư cách trường làng, nhận các bé gái dễ bị tổn thương, chăm sóc, dạy học vấn và đào tạo nghề nghiệp. Năm đầu tiên, nó chỉ có một lớp và 30 học sinh, tất cả đều là bé gái đang đứng trước nguy cơ bị FGM.
Chỗ dựa vững chãi nhất của Ntaiya chính là cha cô, người từng bằng mọi cách ép con gái phải FGM. Ông cùng con gái thuyết phục các phụ huynh trong làng đừng FGM và tảo hôn. Đổi lại, Kakenya’s Dream sẽ cung cấp cho con em họ chỗ ăn học, cơ hội ra bên ngoài học cao hơn, lấy bằng cấp cử nhân, thạc sĩ… rồi quay trở về phục vụ cộng đồng.
Mọi người trong làng đều biết Ntaiya, từng hỗ trợ, kỳ vọng và tự hào vì cô. Hàng chục rồi hàng trăm hộ náo nức cho con gái (thậm chí cả con trai) nhập trường. Từ Kakenya’s Dream, các bé gái trải qua giáo dục phổ thông và lớn lên an toàn. Trước khi có Kakenya’s Dream, 80% bé gái phải FGM, 50% tảo hôn, dưới 17% hoàn thành chương trình tiểu học. Sau khi có Kakenya’s Dream, 100% tránh được FGM và tảo hôn. Nhiều học sinh đã vào đại học và trở về với tư cách là giáo viên, y tá…
“Bí quyết thành công của chúng tôi nằm ở phương pháp tiếp cận toàn diện. Chúng tôi đài thọ học phí, vật dụng và mọi nhu cầu vật chất cá nhân khác cho học sinh nữ, loại bỏ dứt điểm áp lực tài chính, căn nguyên khiến các hộ nghèo không thể tránh tảo hôn”, Ntaiya cho biết.
Hiện nay, Kakenya’s Dream mở rộng thành tổ chức lớn, điều hành giáo dục, y tế, hoạt động chống FGM, tảo hôn và nâng cao ý thức cộng đồng. Tính đến nay, họ hỗ trợ toàn diện cho hơn 600 trẻ em gái, tiếp cận và giúp đỡ trên 15 nghìn trẻ em khắp Tây Nam Kenya.
Theo Globalcitizen