Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đang là giáo viên, trình độ Thạc sĩ Sư phạm, cô Trần Thị Hội trăn trở rất nhiều trước khi quyết định nghỉ dạy. Cô trở lại làm sinh viên, theo đuổi niềm đam mê hội họa đã gác lại vào năm 18 tuổi.

1/ VIẾT TIẾP GIẤC MƠ TUỔI 18

Cô giáo Trần Thị Hội là Thạc sĩ ngành Sư phạm Lịch sử, với hơn 10 năm đứng trên bục giảng ở trường cấp 3. Sự nghiệp đang ổn định, cô Hội quyết định ngừng công việc dạy học, trở lại làm sinh viên để theo đuổi đam mê nghệ thuật chuyên nghiệp với ước mơ dựng lại lịch sử dân tộc bằng hội họa.

Từ bé, cô đã bộc lộ năng khiếu với bộ môn vẽ; suốt quãng đời sinh viên xa nhà, nét bút nét cọ bầu bạn cùng cô. Khi đi làm, cô tiếp tục đồng hành cùng hội họa ở những lớp dạy vẽ và câu lạc bộ tự thành lập.

Giờ đây đã là "thanh niên đứng tuổi", cô lại trở về làm sinh viên. Cô Hội hiện đang học năm thứ hai ngành Hội họa.

Cựu giáo viên môn Lịch sử chia sẻ rằng cô từng bỏ lửng ước mơ học vẽ ở tuổi 18 để đi theo nghề giáo, nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật vẫn luôn nhen nhóm, nung nấu trong con người cô.

Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa - 1

Khi đã có sự nghiệp ổn định, cô quyết định thi đại học lần thứ 2. Cô đã đỗ toàn bộ các nguyện vọng đăng ký, trúng tuyển Đại học Mỹ thuật Việt Nam - trường đại học top đầu cả nước về hội họa, là thủ khoa của 3 khoa tại Đại học Sư phạm Nghệ Thuật Trung Ương với hai điểm 9 môn Hình họa và môn Trang trí màu.

"Ban đầu, tôi chỉ đi ôn thi như một hình thức luyện vẽ, không xác định bản thân sẽ đỗ đại học. Thay vào đó, tôi muốn xem khả năng của mình đến đâu.

Tôi đã ôn thi ở Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, ở lớp ôn dành cho các bạn trẻ thi Đại học Kiến trúc. Đặc biệt, tất cả những người thầy chỉ dạy cho tôi đều rất quan tâm, định hướng tôi đến với Đại học Mỹ thuật Việt Nam vì nhận thấy khả năng hội họa của tôi phù hợp. Do vậy, tôi mạnh dạn đặt nguyện vọng và hiện tại đang theo đuổi đam mê của mình tại đó.

Ròng rã suốt mấy tháng, tôi ôn luyện từ lớp này sang lớp khác, vừa dạy vừa học. Nhiều ngày đi ôn thi từ sáng tới tối, về mệt không ăn nổi cơm nhưng chưa bao giờ tôi có ý định từ bỏ".

2/ KHÓC ÒA NHƯ ĐỨA TRẺ KHI ĐỖ ĐẠI HỌC LẦN 2

Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa - 2

"Ngày gọi điện về nhà báo tin mình đỗ đại học một lần nữa, tôi đã khóc òa như một đứa trẻ con. May mắn là nếu ở tuổi 18 tôi không được bố mẹ chấp thuận để đi theo hội họa thì khi 34 tuổi, tôi đã được bố mẹ ủng hộ hết mình để thực hiện mong ước.

So với thời đi dạy, tôi chỉ cảm nhận tuổi trẻ qua những bạn học sinh, giờ là sinh viên tôi thấy bản thân như được tắm mình trong đó cùng những ngày chạy dự án, làm bài tập quên ăn và không dám ngủ, những tiếng thở phào nhẹ nhõm cùng cảm giác sảng khoái lạ lùng khi hoàn thành. Cảm giác sẽ khó có ở những người cùng trang lứa với tôi.

Nhưng có lẽ điều làm tôi hạnh phúc nhất khi đi học mỹ thuật đó là được sống với chính đam mê của mình, được trải nghiệm và thử thách những kĩ năng mới trong hội họa chuyên nghiệp", cô Hội tâm sự.

Mặt khác, cô Hội cũng thẳng thắn thừa nhận việc trở lại thời sinh viên với các bạn học ngang tuổi học sinh của mình cũng khiến cô giáo này có phần "chông chênh" vì khoảng cách thế hệ và tư duy lệch nhau.

Ngoài ra, cô chia sẻ rằng nếu 18-19 tuổi học đại học, chắc chắn môn nào cô cũng sẽ cố học thật tốt nhưng tới tuổi này, cô học có chọn lọc hơn. Cô đề cao những gì mình học được hơn là điểm số.

Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa - 3

Đứng trước sự lựa chọn giữa đi dạy và đi học, giữa một công việc ổn định và trở về vạch xuất phát, cô giáo dạy Sử đã lựa chọn làm lại từ đầu, trở về là một sinh viên đại học. Người phụ nữ đó đã can đảm bước ra khỏi vòng an toàn của chính mình, với mong muốn thay đổi để phát triển bản thân dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

"Thời điểm tôi quyết định nghỉ dạy để đi học lại, bao nhiêu thành tựu, bao nhiêu thứ tôi đã có và tích lũy dường như trở về con số không tròn trĩnh. Và trong lĩnh vực mới là hội họa, tôi cũng bắt đầu từ vạch xuất phát nên phải cố gắng rất nhiều so với người khác, nhất là khi tôi đã có gia đình và con nhỏ.

Đặc biệt, trong thời buổi dịch bệnh như vừa rồi, cầm tờ giấy trợ cấp thất nghiệp trong tay, tôi đã tủi thân đến phát khóc nhưng chưa từng hối hận về quyết định của mình. Nếu tôi không lựa chọn thay đổi vào thời điểm đó có lẽ sẽ không có cơ hội tiếp theo, muốn mở ra cánh cửa mới chúng ta phải mạnh dạn đóng lại cánh cửa cũ", cô Hội bày tỏ.

Theo cô Hội, môi trường sư phạm công lập rất ổn định nhưng tư duy an toàn lâu dài dễ khiến người ta trở nên lạc hậu, dậm chân tại chỗ. Vì vậy, riêng bản thân cô - một người luôn muốn mình phát triển, tiếp thu nhiều kiến thức mới thì sự thay đổi môi trường là lựa chọn đúng đắn.

3/ ƯỚC MƠ DỰNG LẠI LỊCH SỬ DÂN TỘC BẰNG HỘI HỌA

Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa - 4

Tạm dừng "mái chèo" sau hơn 10 năm làm một "người lái đò" cần mẫn nhưng tình yêu của cô đối với những thế hệ học sinh vẫn luôn trọn vẹn, trinh nguyên nơi trái tim và cũng chính tình yêu này đã một lần nữa mang cô trở lại bục giảng như một mối duyên bền chặt.

"Tôi đang tiếp thu những kiến thức, những kĩ năng tư duy và thực hành mỹ thuật từ trường đại học để hiện thực hóa ý tưởng dựng lại lịch sử dân tộc bằng hội họa. Tôi cần những môi trường mới để cộng hưởng, nên tôi quyết định vừa học vừa làm.

Đặc biệt, lần trở lại này, tuy vẫn là một giáo viên bộ môn Lịch sử nhưng tôi lại được giảng dạy những thế hệ học sinh nhỏ tuổi hơn.

Tại môi trường này, với thế mạnh về những dự án, những hoạt động thực nghiệm tôi nghĩ bản thân sẽ học hỏi được nhiều điều về giáo dục mở, đồng thời sẽ tiệm cận dần với việc biến ước mơ của mình thành hiện thực".

Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa - 5

Cô giáo Ngọc Mai - đồng nghiệp cũ của cô Hội chia sẻ rằng trong công việc, cô Hội là một người thông minh, dám nghĩ dám làm, là người truyền nguồn cảm hứng rất lớn và thường tự làm mới bản thân với nhiều vai trò khác nhau.

"Cô Hội là người rất năng động và trẻ trung, cô có tư duy tiếp cận mới và gần gũi với học sinh nên mỗi khi đến tiết cô dạy thì cả lớp mình vô cùng thích thú. Đặc biệt, mình thấy rất may mắn khi được cô chủ nhiệm suốt những năm cấp 3, cô tận tâm với từng thành viên trong lớp và như người mẹ thứ 2 của chúng mình", Nguyễn Hoàng Minh - học sinh cũ của cô Hội chia sẻ.

Cho đến thời điểm hiện tại, cô Trần Thị Hội vẫn vững bước trên con đường thực hiện giấc mơ lớn của bản thân khi vừa học vừa giảng dạy ở trường quốc tế. Với người phụ nữ đặc biệt ấy, thành công là quá trình khiến bản thân tốt hơn từng ngày, hạnh phúc là khi làm những điều mình yêu.

Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa - 6

Các tác phẩm hội họa của cô Trần Thị Hội.

Bài liên quan
Cách ly hơn 8 nghìn người một xã ở Thanh Hoá vì cô giáo mắc Covid-19
(GDTD) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thanh Hóa, cô giáo cấp 1 mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Việc này khiến xã Phú Nhuận hơn 8.000 dân phải cách ly xã hội 15 ngày kể từ 9 giờ ngày 26/8.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo Lịch sử 34 tuổi nghỉ dạy, thi lại đại học thành thủ khoa hội họa