“Đến giờ, tôi là người có thâm niên nhất của Trường Mầm non Bảo Nam, cũng đã đi khắp 10 bản lẻ, từ Huồi Hốc, Khe Nạp, Khe Khoáng, Khe Lau… rồi lần lượt quay vòng. Ở lại trong điểm trường, với dân bản, với các cháu hàng tuần mới về nhà, là chuyện bình thường suốt hơn 20 năm qua”, cô Bé nói.
Cô Lương Thị Bé là người Thái, học Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, chuyên ngành Sư phạm mầm non theo diện cử tuyển. Tốt nghiệp năm 2001, cô được phân công nhận công tác về xã Bảo Nam (huyện Kỳ Sơn) cho đến giờ. “Năm học đầu tiên trong nghề của tôi cũng bắt đầu vào mùa mưa.
Tuy không sạt lở nặng, nhưng nước khe suối dâng cao, chỉ có thể đi bộ vào trường. Vào đến nơi mới biết, trường mầm non chỉ vừa thành lập, vẫn chưa có phòng học, chính quyền địa phương và người dân đang đào đất, dựng cột để làm trường”, cô Bé nhớ lại.
Cô Lương Thị Bé và cô Lô Thị Mai vệ sinh dọn dẹp điểm Trường Mầm non bản Huồi Hốc, xã Bảo Nam. |
Sau thời gian ở nhờ trong nhà dân, trường mầm non Bảo Nam với mấy phòng học tạm cũng đã dựng xong, đón trẻ đi học. Áp lực chuyên môn thời điểm ấy không lớn, vì đặc thù trẻ dân tộc thiểu số khác so với trường lớp ở xuôi. Nhưng vất vả nhất chính là huy động trẻ ra lớp thay vì theo bố mẹ lên rẫy hoặc ở nhà chơi, vì bà con cho rằng các cháu tuổi còn nhỏ quá, chưa cần đi học. Cái khó nữa là tập cho trẻ làm quen với Tiếng Việt, vì độ tuổi mầm non, các cháu chỉ quen với tiếng mẹ đẻ (dân tộc Khơ mú), và sinh sống trong bản, ít tiếp xúc với bên ngoài.
Còn vất vả của giáo viên thì không biết kể từ đâu. Riêng đường đi đã nhọc nhằn, nơi ăn chốn ở tạm bợ, thiếu thốn. Mùa mưa không thể ra ngoài, ở lại trong bản, kể cả có tiền cũng không mua được thực phẩm, bà con cũng khó khăn.
Các cháu điểm bản Huồi Hốc, Trường Mầm non Bảo Nam, nơi cô Lương Thị Bé phụ trách năm học 2022-2023. |
Trong số 10 bản mà cô từng dạy học, thì Khe Nạp là điểm bản đặc biệt, cách trường chính đến 65km. Từ trung tâm xã Bảo Nam, phải đi vòng ra thị trấn Mường Xén, rồi qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mường Lống… mới vào tới Khe Nạp. Cô Bé kể: “Tôi có 5 năm cắm bản Khe Nạp, đầu tuần đi, cuối tuần về. Cũng vì khoảng cách quá xa, nên chỉ những dịp họp hành quan trọng mới về trường chính. Còn lại tôi từ nhà vào thẳng nơi dạy học”.
Trong hơn 20 năm nghề giáo, cô Lương Thị Bé (ngoài cùng bên phải) đã dạy học qua hết 10 bản của Trường Mầm non Bảo Nam. |
Cô Bé quê ở xã Hữu Dương, huyện Tương Dương, nhưng nay đã chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Người thân chuyển về tái định cư ở huyện Thanh Chương cách quê cũ hơn 150km. Còn cô lại lập gia đình, ở tại thị trấn của huyện biên giới Kỳ Sơn. Những năm đi dạy xa cả nhà lẫn quê, vất vả, nhớ con, nhưng cô vẫn chưa khi nào có ý định từ bỏ nghề. Vẫn bám bản, bám trẻ, huy động và duy trì sỹ số trẻ đến lớp. Và để giữ một lời hẹn với với phụ huynh, bà con dân bản, rằng mỗi năm học mới đến, sẽ luôn có cô giáo đến trường chào đón lũ trẻ.
Cô Phạm Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bảo Nam cho biết, đặc thù của mầm non, trường không có thầy giáo, nên dù là bản xa xôi, vất vả nhưng các cô giáo trong trường luân phiên nhau đến các điểm lẻ. Riêng cô Lương Thị Bé là giáo viên thâm niên nhất trường. Cô cũng là người rất yêu trẻ, trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ kể cả ở những bản khó khăn nhất. Hiện điều nhà trường mong mỏi là có nhà công vụ cho giáo viên các bản. Vì hiện các điểm trường lẻ như Khe Nạp, Huồi Hốc, Huồi Khoáng… các cô đang phải ở các gian phòng tạm cắm bản đi dạy rất vất vả.