Cô giáo người Tày 20 năm cắm bản trồng người

Phương Thảo - Âu Hương | 11/07/2022, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Suốt hơn 20 năm về với xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, cô giáo Nông Thị Bảy chưa một lần bỏ trường, bỏ lớp, vẫn luôn cặm cụi vừa dạy chữ, vừa chăm sóc học trò nghèo bằng tất cả tình yêu thương.

20 năm gắn bó với núi rừng

Gắn bó với người dân ở xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đến nay đã ngót nghét 20 năm, cô giáo người dân tộc Tày Nông Thị Bảy (SN: 1979) đã dày công, nhọc nhằn dìu dắt những đứa trẻ người dân tộc thiểu số, nghèo khó vươn lên vượt qua những khó khăn, gian khổ.

Nhớ lại ngày quyết định gắn bó với Tuyên Quang, cô Bảy không thể nào quên được chuỗi ngày thuyết phục gia đình đồng ý để cô trở về quê công tác. Cô Bảy cho biết: Thuở nhỏ, chứng kiến cha mẹ làm nông vất vả, nhưng vẫn cố gắng nuôi 7 anh chị em ăn học. Điều đó đã thôi thúc cô nỗ lực trong học tập và nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo. Ngoài ra, cô cũng mong muốn có thể đóng góp một phần nhỏ bé cho người dân, cho mảnh đất khó khăn này để cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.

Năm 2000 sau khi cô tốt nghiệp lớp trung cấp Mầm non ra trường, bạn bè khuyên xin dạy học ở trung tâm xã hoặc ra huyện cho nhàn, dễ đi lại và gần gũi gia đình. Nhưng trong đầu cô Bảy chỉ nghĩ rằng “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” Điều đó đã thôi thúc cô quyết tâm xin về một xã miền núi nghèo để cống hiến.

Năm đó, điểm trường mà cô được phân công là điểm trường thôn 9, thuộc xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, Cô Bảy nhớ lại: “Thời điểm về tiếp nhận học trò, thật sự là thử thách khi cơ sở vật chất đến điều kiện sinh hoạt đều sơ sài, lớp học nhỏ hẹp, xập xệ, các em phải học lớp ghép các trình độ từ mẫu giáo đến lớp 1. Mỗi lớp có từ 10-16 em, giáo trình chung nên thường phải kèm cặp thêm từng em một để củng cố kiến thức ”.

Cô giáo người Tày 20 năm cắm bản trồng người ảnh 1

Cô Bảy luôn lạc quan, hạnh phúc khi những lứa học trò ngày càng trưởng thành

Cô Bảy chia sẻ thêm, khoảng thời gian đó, thực sự rất khó khăn, thiếu thốn lương của cô chỉ được vẻn vẹn 50 nghìn đồng một tháng. Lúc này, đường xá đi lại khó khăn, mỗi ngày đi làm cô phải dậy từ 4 – 5 giờ sáng đạp xe gần 10 cây số để đến trường. Có khi về đến nhà, cô Bảy cũng không còn sức để ăn cơm vì quá mệt.

Nhưng với tình yêu thương, sự sẻ chia với học trò nghèo, sự giúp đỡ của đồng nghiệp đã luôn thôi thúc cô Bảy phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng nhiều hơn nữa vượt qua những khó khăn, gian khổ để để ở lại với thôn bản gieo chữ, thắp ước mơ.

Nặng lòng với nghề

Chuyện dạy học ở vùng cao hầu như ở đâu cũng thế, không phải học trò không muốn đến trường mà bởi nghèo khó đeo đẳng cuộc sống nên những đứa trẻ phải ở nhà đi làm nương, làm rẫy mưu sinh. Thấu hiểu được điều đó, cô Bảy cùng các đồng nghiệp của mình đi đến gõ cửa từng nhà, làm công tác dân vận để các con được đến trường học chữ.

Kỷ niệm mà cô Bảy nhớ rõ nhất đó là, vào thời điểm năm 2006, một học trò trong thôn 9 mới học đến lớp 2 gia đình đã cho nghỉ. Lúc này, cô Bảy phải dày công đến nhà, tự bỏ tiền túi ra mua theo lương thực, thực phẩm mang tới thuyết phục gia đình về lợi ích của việc học, biết cái chữ thì mới có tương lai…cuối cùng, sự cố gắng của cô đã được đền đáp, gia đình đã đồng ý cho con tiếp tục đi học.

Không chỉ có vậy, vào những ngày mùa đông rét buốt, trẻ vùng cao không có đủ áo ấm để mặc, đôi chân trần tím tái, run lên vì quá lạnh, vì quá thương học trò nghèo, cô đã trích một phần lương của mình mua tất, mua áo ấm cho các con.

Chưa một lần cô Bảy kêu than muốn đổi nghề hay muốn chuyển trường, bởi vì lửa nghề, vì nhiệt huyết và bởi những đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên của học trò chính là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cô giáo Nông Thị Bảy vượt qua khó khăn hoàn thành việc gieo con chữ cho các em.

Cô giáo người Tày 20 năm cắm bản trồng người ảnh 2

Cô Bảy cùng tập thể trường mầm non Bằng Cốc, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vẫn luôn nỗ lực trên hành trình gieo chữ cho trẻ vùng cao

Cô Bảy tâm sự rằng, đối với nghề dạy học, chỉ yêu thương trẻ là chưa đủ mà phải luôn trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân mới theo được phương pháp giảng dạy mới. “Nếu cuộc sống này cho tôi chọn lại một lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn nghề “gieo chữ” đơn giản là để nuôi dưỡng ước mơ cho trẻ vùng cao”.

Sự hi sinh, cống hiến thầm lặng của của cô Bảy 20 năm qua không gì có thể diễn tả hết. Nhắc đến người đồng nghiệp của mình, cô giáo Nguyễn Thị Lành giáo viên trường mầm non Bằng Cốc chia sẻ: “Cô Bảy không chỉ là một giáo viên tâm huyết với nghề mà trong cuộc sống hằng ngày cô cũng rất giản dị, hòa đồng với mọi người xung quanh. Cô Bảy là người lâu năm trong nghề ở đây, quá trình bám bản, gặp nhiều khó khăn chúng tôi phải thường xuyên nhờ cô ấy chỉ dạy.”

Anh Nông Văn Thuần phụ huynh học sinh của cô Bảy cho hay: “Gửi con cho các cô ở điểm trường, đặc biệt là cô giáo Bảy tôi rất yên tâm. Có hôm đi làm về muộn, cô giáo còn đưa con về đến tận nhà, điều đó là khiến chúng tôi vô cùng xúc động và tin tưởng vào ngành giáo dục địa phương".

Có thể nói, sự nghiệp trồng người nơi đây còn nhiều gian nan, vất vả, con đường đến trường giúp các em vững bước vào đời cũng còn nhiều gian truân. Tuy nhiên, chắc chắn giữa núi rừng hoang vu, trăm bề khổ nhưng cũng không thể làm nhụt ý chí của người giáo viên dành trọn tâm huyết và lòng yêu nghề, mến trẻ với các em học sinh vùng cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo người Tày 20 năm cắm bản trồng người