Cô Dương Thị Ngọc chia sẻ luôn lồng ghép giáo dục kỹ năng phòng tránh bị xâm hại cho học sinh một cách phù hợp và vận dụng vào các môn học liên quan một cách thường xuyên, hiệu quả nhất.
Ví dụ: Trong các giờ sinh hoạt lớp, giáo viên dành thời gian để tổ chức cho học sinh xử lý tình huống: Khi một người lạ mặt đến nói chuyện và liên tục tiến lại gần, em phải làm gì? Trong tình huống này học sinh giải quyết theo nhiều cách: bỏ chạy, không nói chuyện, nói chuyện vui vẻ… Qua các cách giải quyết học sinh đưa ra, giáo viên hướng dẫn cách giải quyết phù hợp nhất.
Một số tình huống cụ thể khác được cô Dương Thị Ngọc chia sẻ và hướng dẫn học sinh cách xử lý như: Bị “nhìn hoặc bắt nhìn” hoặc nói chuyện dâm ô; bị động chạm, sờ mó, ôm bế bất thường; bị dụ dỗ, cưỡng bức sex…
Các kỹ năng: Giúp học sinh nhận biết, giữ gìn các vùng nhạy cảm trên cơ thể; tránh xa người lạ mặt; phòng chống bị bạo lực, bắt cóc, các đụng chạm không an toàn, cách giữ khoảng cách an toàn với mọi người xung quanh... cũng được cô Ngọc nhấn mạnh cần hướng dẫn học sinh.
“Học đi đôi với hành. Vì vậy, để học sinh nắm được các kỹ năng và nhớ lâu hơn, trong quá trình hướng dẫn, tôi luôn luôn cho các em học lý thuyết song song với thực hành. Thực hành bằng nhiều hình thức như: Trò chơi, xử lý tình huống, vẽ tranh... tạo không khí thoải mái, học mà chơi, chơi mà học giúp học sinh nhớ lâu hơn những kỹ năng đã được giáo viên hướng dẫn. Cùng với đó, chú trọng lồng ghép xử lý các tình huống phòng chống xâm hại trong dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau", cô Dương Thị Ngọc chia sẻ.
Học sinh thực hành động tác thoát thân khi bị nắm cổ tay. |
Cô Dương Thị Ngọc cho rằng, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh trong phòng chống xâm hại trẻ em thông qua các buổi họp phụ huynh. Lồng ghép tuyên truyền kiến thức về xâm hại, phòng chống nạn xâm hại trẻ em. Vận động cha mẹ học sinh dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi trẻ như: Thường xuyên hỏi về tình hình học tập, sinh hoạt trong ngày; đưa đón trẻ đến trường đúng giờ quy định; thông báo cho nhà trường những vấn đề xảy ra với trẻ để cùng phối hợp ngăn chặn.
Cùng với đó, cần xây dựng tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) trong các trường học, cơ sở giáo dục...
Từ trước đến nay, công tác giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong các trường phổ thông. Trên thực tế, không phải trường nào cũng chủ động triển khai vấn đề phòng chống xâm hại cho học sinh một cách bài bản, khoa học và hiệu quả.
Bên cạnh đó với văn hóa phương Đông truyền thống, đối với nhiều người, thậm chí cả giáo viên và phụ huynh còn xem công tác giáo dục giới tính, phòng, chống xâm hại tình dục là vấn đề “nhạy cảm” ngại ngùng. Khi đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính, trong đó có phòng, chống xâm hại tình dục cho học sinh, nhất là bậc tiểu học, không ít phụ huynh vẫn còn lảng tránh.
Trẻ em Việt Nam sau khi bị kẻ xấu xâm hại thường sợ sệt, không dám nói với cha mẹ hoặc người lớn để can thiệp, vì thói quen, phong tục và cách giáo dục trẻ.