Cô giáo vùng cao trăn trở sao cho trò đỡ vất vả

20/03/2024, 07:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hơn 10 năm gắn bó với học trò vùng cao, cô Đỗ Thị Liên luôn tâm niệm phải yêu thương, chăm sóc quan tâm trò như chính con của mình.

Thay cha thực hiện ước mơ

Cô Đỗ Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Lương Năng, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn sinh ra trong gia đình thuần nông. Từ nhỏ, cô đã được bố định hướng theo nghề giáo để sau này truyền kiến thức cho học sinh nghèo nơi cô sinh ra.

Cô Liên tâm sự: “Bố là nông dân nhưng mỗi lần đưa tôi đến lớp, bố luôn nán lại nghe thầy cô giảng bài cho con. Cũng chính qua những buổi nghe giảng đó, bố tôi đã ước mơ sau này con gái của mình cũng trở thành cô giáo rồi về quê hương dạy học cho trẻ con ở làng xã, giúp chúng biết ước mơ và thoát khỏi nghèo khó”.

Thế rồi, ước mơ bình dị đó của người bố đã được cô Liên thực hiện. Năm 2008, cô đỗ vào hệ trung cấp ngành Sư phạm Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, cô học liên thông lên cao đẳng tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.

Năm 20213, cô Liên đỗ viên chức và được phân về Trường Tiểu học xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn giảng dạy. Sau 5 năm công tác, cô Liên được điều động về Trường Tiểu học Lương Năng.

Yêu nghề, luôn tận tâm để cống hiến bởi vậy cô Liên luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng, nỗ lực để có những giờ giảng hay thu hút học sinh, xứng đáng với những gì mà phụ huynh, học trò kỳ vọng, tin tưởng và gửi gắm vào cho mình.

Một tiết học của cô Liên và học trò.
Một tiết học của cô Liên và học trò.

“Trường tôi công tác thuộc vùng đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số. Nhiều em bố mẹ phải đi làm xa nhà ở với ông bà nên các em rất thiệt thòi. Bởi vậy, mỗi ngày lên lớp tôi luôn cố gắng quan tâm, động viên, yêu thương trò.

Khi trong lớp có em nào không đến lớp tôi sẽ hỏi han thậm chí đến tận nhà để tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Nếu trò ốm, tôi sẽ động viên gia đình chăm sóc để sớm bình phục trở lại trường. Nếu nghỉ vì các lý do khác tôi sẽ cùng phụ huynh bàn bạc và tháo gỡ khó khăn để làm sao các em được đến trường”, cô Liên chia sẻ.

Ngoài giảng dạy kiến thức, cô còn dạy các em kỹ năng sống; dạy trò biết giúp đỡ ông bà công việc nhà khi không đi học.

“Đặc biệt là học sinh nữ, tôi dạy em các kỹ năng bảo vệ bản thân, nữ công gia chánh. Nhiều em bố mẹ không ở nhà, không biết vệ sinh cá nhân, lên lớp thời gian ra chơi hay nghỉ trưa tôi lại tranh thủ hướng dẫn, dạy các em cách buộc tóc, gấp quần áo. Nhờ vậy, các em đã cởi lòng, coi cô giáo như người thân; khi gặp khó khăn, các em lại đến tìm cô giáo chia sẻ, tâm sự và cũng từ đó tôi hiểu trò của mình hơn”, cô Liên kể lại.

Trăn trở những thiếu thốn của học sinh vùng khó

10 năm gắn bó với nghề giáo, cô Liên luôn trăn trở phải làm sao để trò đỡ vất vả, phải làm sao để các em yên tâm đến trường đặc biệt là học sinh các điểm trường. Cô Liên nhớ lại, năm 2017, cô được phân công giảng dạy ở điểm trường Pá Hà, cách trường chính 6km, đường đi lại khó khăn. Chỉ cần một cơn mưa, xe máy không thể đi, muốn đến điểm trường phải gửi xe nhà dân để đi bộ đến lớp.

Học sinh tại điểm trường, có những em nhà cách điểm trường 4- 5km phải đi qua trèo đồi. Mùa mưa, đường trơn ngã, nhiều hôm đến trường bẩn hết quần áo, lạnh cóng, run cầm cập.

Những con đường đất dẫn vào điểm trường Pá Hà mùa mưa mưa đến. Ảnh NVCC.
Những con đường đất dẫn vào điểm trường Pá Hà mùa mưa mưa đến. Ảnh NVCC.

“Lúc đó, mặc dù đã sắp vào học nhưng tôi vẫn phải tranh thủ lấy nước ấm để rửa mặt mũi, chân tay, thay quần áo cho trò xong cô trò mới vào học”, cô Liên kể.

Điểm trường xa, phụ huynh khó khăn, học trò mỗi em đến lớp đều mang theo những gói cơm nhỏ. Trưa về, cô trò cùng nhau lấy cơm ra vừa, vừa trò chuyện. Nhiều phụ huynh chứng kiến cảnh thiếu thốn của cô trò, những ngày rảnh rỗi họ lại đến điểm trường giúp cô lấy nước sinh hoạt, phụ nấu cơm. Bữa cơm đơn giản chỉ có rau xanh và ít cá khô nhưng cũng ấm lòng cô trò vùng cao.

Cô Liên trải lòng: “Đối với cô trò vùng cao chỉ cần một sự quan tâm nhẹ của phụ huynh cũng tiếp thêm bao nhiêu động lực, cố gắng cho cô trò”.

Gắn bó cùng cô Liên trong thời gian dài, cô Lý Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Năng cho biết: “Cô Liên là giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, luôn sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Đối với đồng nghiệp cô luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, những kiến thức mà mình có được.

Cô luôn dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ động viên những học sinh khó khăn, tận tuỵ để học trò tiến bộ. Cô không nề hà hay ngại khó đối với những học trò đặc biệt của lớp”.

“Học sinh ở xa, đa số các em học sinh đều mang cơm theo ăn trưa tại trường. Hằng ngày mỗi buổi sáng khi gói cơm mang theo, tôi luôn cố đưa thêm nhiều thức ăn một chút để chia cho trò bởi nhiều em có khi chỉ có cơm trắng với muối vừng. Lúc cô chia phần thức ăn của mình cho các em, nhìn thấy ánh mắt hạnh phúc tôi thấy ấm áp vô cùng”, cô Đỗ Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Lương Năng, chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo vùng cao trăn trở sao cho trò đỡ vất vả