Mới đây, cô Quyên đã ứng dụng dạy học bằng robot thông minh. Hiện nay, lớp của cô Quyên đang sử dụng 2 robot thông minh là robot Mtiny và robot Vex 123 để giáo dục STEM.
Trong đó, robot Mtiny do cô Quyên trích kinh phí cá nhân, từ dự án “Nông sản sạch – cùng bé đến trường” kết hợp với kinh phí ủng hộ của nhà hảo tâm mua về dạy học. Còn robot Vex 123 được đội ngũ Liên minh STEAM và Kidscode STEM cho mượn.
Có thể đối với những đứa trẻ ở thành phố, robot là món đồ chơi bình thường nhưng với những em nhỏ vùng cao, nhất là trẻ em xã Suối Giàng, đây là món đồ vô cùng lạ lẫm. Ban đầu, khi được tiếp cận với robot, nhiều em còn rụt rè. Nhưng sau khi được cô Quyên hướng dẫn cách làm quen, em nào cũng thích và cũng mong được “chơi” cùng robot.
Học sinh có thể điều khiển robot bằng cách chạm đơn giản hoặc sử dụng thẻ mã hóa. Từ đó, các em có thể trau dồi kỹ năng tư duy, sáng tạo, giải quyết vấn đề và tiến tới việc làm quen với các thuật toán và mã hóa. Khi giảng dạy theo chương trình mầm non của Bộ GD&ĐT, cô cố gắng lồng ghép cho học sinh sử dụng robot thông minh.
Học sinh thực hành sử dụng robot Mtiny. Ảnh: NVCC. |
Giảng dạy trong môi trường muôn vàn khó khăn nhưng cô Quyên đã và đang nỗ lực hết mình để mang lại những phương pháp, điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Những kết quả tích cực từ các dự án như sách 3D, dạy học STEM, dạy học robot thông minh... là động lực để cô Quyên tiếp tục cố gắng.
“Tôi muốn mang đến sự thay đổi trong lớp học để rút ngắn khoảng cách giữa cô trò, khiến học sinh tin yêu ở mình, thích đi học và có động lực học tập. Nếu cô trò có thể gần gũi, giáo dục mới có thể mang lại hiệu quả. Ngọn lửa này sẽ theo các em trên hành trình đến trường sau này”, cô Quyên chia sẻ.
Chia sẻ về động lực đổi mới sáng tạo, cô Quyên cho biết: “Nói đến giáo dục và giáo dục STEM nói riêng, tôi giống một người học sinh, say mê, tò mò và muốn chinh phục tri thức mới. Nếu vốn kiến thức rộng và sâu, tôi có thể mang đến cho học trò những bài học chất lượng”.
Nhưng điều khiến cô Quyên phấn đấu hơn cả là mong muốn thay đổi khoảng cách giữa giáo viên và học sinh vùng cao, từ đó góp phần giảm thiểu chênh lệch giáo dục giữa các vùng miền. Học sinh dân tộc thiểu số vốn có tính cách nhút nhát nên khoảng cách giữa cô trò là rất lớn, dẫn đến việc dạy học gặp nhiều thách thức.
Dành nhiều thời gian nói về Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam, cô Quyên bày tỏ cảm thấy may mắn khi được tìm hiểu nhiều mô hình giáo dục ở những khu vực có đặc điểm địa lý khác nhau. Cũng nhờ cộng đồng này, cô được làm quen, kết bạn và được hỗ trợ bởi các đồng nghiệp, các tổ chức khắp mọi miền.
Cô Quyên (áo đen) tập huấn giáo dục STEM cho trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Hạ Long. Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, hiện nay cô Quyên đang nhận được sự đồng hành, hỗ trợ lớn từ Liên minh STEM nhằm thúc đẩy STEM 4.0 cho huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu). Với những kinh nghiệm trong lĩnh vực STEM, cô giáo đã và đang tập huấn, chia sẻ về triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cho các cấp học, đơn vị trường, Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT nhiều địa phương.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Quyên cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người xung quanh đã giúp những đứa trẻ vùng cao trở nên tự tin và mở lòng hơn với cô giáo. Để giờ đây, từ một giáo viên người Kinh lên xã Suối Giàng công tác, cô Quyên đã trở thành “người mẹ thứ 2” của những đứa trẻ người Mông.