Tại hội thảo, các ý kiến đã trao đổi toàn diện, thực chất liên quan đến tiêu chí giáo dục xây dựng nông thôn mới... Các ý kiến cho thấy, về cơ bản đã nhận thức được việc xây dựng nông thôn mới mang lại cơ hội thay da, đổi thịt cho giáo dục, đặc biệt là về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Các ý kiến cũng nhận diện được các khó khăn, xác định được nguyên nhân và mạnh dạn đề xuất kế hoạch trong thời gian tới, kèm giải pháp phù hợp với địa phương.
Đánh giá cao ý kiến của các sở GD&ĐT, ông Mai Văn Trinh - Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất - ghi nhận, tiếp thu các ý kiến trao đổi, kiến nghị và căn cứ vào đó để tiếp tục trao đổi, tham mưu xây dựng chính sách.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng, để thành công phải có sự quan tâm thực chất của lãnh đạo Đảng, chính quyền, Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Cùng với đó là sự vào cuộc phối hợp của các sở ngành liên quan ở địa phương; trong đó vai trò chủ động tham mưu của ngành Giáo dục là cực kỳ quan trọng.
Thông tin Vụ Cơ sở vật chất đã phối hợp và chuẩn bị hệ thống tài liệu khá đầy đủ về nội dung này để địa phương nghiên cứu, ông Mai Văn Trinh đồng thời đưa ra những vấn đề cần lưu ý làm tốt trong thời gian tới. Trong đó, điều được nhấn mạnh đầu tiên là cần chuyển biến căn bản tầm nhìn, nhận thức, trước hết trong ngành về tầm quan trọng của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với phát triển giáo dục.
Các sở GD&ĐT chủ trì xây dựng kế hoạch, trước hết là giai đoạn 2022-2025, 2025-2030 về việc trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đội ngũ... để thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh. Lưu ý việc quy hoạch quỹ đất cho giáo dục - đào tạo, đặc biệt các địa phương có khu công nghiệp. Có giải pháp tuyên truyền và huy động các sở ngành cùng vào cuộc với ngành Giáo dục... Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị trường học đã được trang bị.
Ông Mai Văn Trinh cũng nhấn mạnh, khẳng định tầm quan trọng của xã hội hóa giáo dục và đề nghị địa phương quan tâm thiết thực đến vấn đề này. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phát biểu tại hội thảo. |
Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cũng được nêu rõ trong báo cáo của Bộ GD&ĐT tại hội thảo. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch, dự toán hằng năm và trung hạn, để cân đối, bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ và tự cân đối để huy động thêm các nguồn kinh phí khác thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu.
Đồng thời, rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục bảo đảm hiệu quả. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài. Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường, lớp học ở các khu tái định cư, khu đông dân cư, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở giáo dục có tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh. Lập kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thực hiện tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng yêu cầu.
Tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục thực sự đạt hiệu quả. Quan tâm chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể và các đơn vị có liên quan cùng với cha mẹ trẻ để tuyên truyền, vận động, duy trì và tiếp tục nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi tới trường, huy động hầu hết trẻ em 6 tuổi vào lớp 1. Xây dựng kế hoạch để củng cố, duy trì và nâng cao kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục đối với các đơn vị cấp xã, huyện tại địa phương.
Kiểm tra, giám sát, cập nhật số liệu, thu thập và xử lý thông tin về kết quả triển khai thực hiện chương trình. Định kỳ tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ hàng năm của Chương trình để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ GD&ĐT.