Có một Trường Sa nơi miền đất Tổ

18/05/2023, 13:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc xây dựng gần 30 mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa, biển, đảo của Tổ quốc, Trường Sa, Hoàng Sa đã không chỉ dừng lại ở sách vở, hình ảnh, mà đã thực sự hiện hữu trong không gian sư phạm của các trường học tại huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ). Đây là kết quả của cách làm sáng tạo, cũng là minh chứng cho tinh thần yêu nước, tấm lòng hướng về Trường Sa, hướng về biển, đảo của người dân đất Tổ.

Có một Trường Sa nơi miền đất Tổ - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần bên cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa của thầy, trò Trường THCS Văn Khúc (xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê) - Ảnh: VGP/VV

Cách làm mang lại nhiều hiệu quả

Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi đến thăm Trường THCS Văn Khúc, một trong những trường học đầu tiên ở huyện Cẩm Khê triển khai xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa trong khuôn viên nhà trường. Sau tiếng chuông báo hiệu giờ chào cờ đầu tuần, các em học sinh trong màu áo đồng phục trắng và áo cờ Tổ quốc nhanh chóng xếp hàng. Quốc ca vang lên oai hùng; hàng trăm thầy, cô giáo và học sinh cùng hướng về lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa ở giữa sân trường.

Theo thầy Nguyễn Xuân Thịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Khúc, công trình mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa là niềm tự hào của thầy, trò nhà trường. Hơn 2 năm qua, từ khi mô hình cột mốc chủ quyền được xây dựng, Trường THCS Văn Khúc đã tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa, như các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần; nói chuyện biển, đảo; các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo… Thông qua đó, giúp bồi đắp thêm tình yêu biển, đảo cho học sinh; khơi dậy trong các em tình yêu và trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đặc biệt là với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Huyện uỷ Cẩm Khê, bắt đầu từ tháng 12/2020, Huyện đoàn Cẩm Khê đã phối hợp với Phòng GD&ĐT triển khai kế hoạch xây dựng các mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa. Địa điểm xây dựng được lựa chọn là tại các trường học trong huyện. Đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng gần 30 mô hình cột mốc chủ quyền biển, đảo Trường Sa.

Các mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa được xây dựng ở Cẩm Khê có chiều cao 4,2 m, diện tích 48,2 m2; phía trên là Quốc hiệu nước CHXHCN Việt Nam, tiếp theo là biểu tượng lá cờ Tổ quốc; biểu tượng địa danh, tọa độ địa lý (vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa); cuối cùng là biểu tượng mặt trống đồng thể hiện truyền thống văn hóa và tinh thần đồng lòng, đoàn kết của dân tộc Việt Nam… Nhờ tuyên truyền rộng rãi, việc xây dựng mô hình cột mốc quần đảo Trường Sa đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các nhà trường; cán bộ, lãnh đạo và nhân dân các xã, thị trấn đóng góp bằng ngày công lao động, tiền mặt, nguyên vật liệu, trị giá trên 600 triệu đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vận động xã hội hóa.

Đến nay, huyện Cẩm Khê trở thành địa phương có số lượng mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa nhiều nhất cả nước. Điều này đã thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực của các đơn vị đoàn cơ sở, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để vận dụng mọi nguồn lực thực hiện kế hoạch. Đây cũng là minh chứng cho tinh thần yêu nước, tấm lòng hướng về Trường Sa, hướng về biển, đảo của người dân đất Tổ.

Có một Trường Sa nơi miền đất Tổ - Ảnh 2.

Khánh thành mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa tại Trường Tiểu học và THCS Tình Cương, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê - Ảnh: VGP/VV

Trường Sa không xa

Có thể nói, với việc xây dựng hàng chục mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa tại các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Khê, "giấc mơ" đưa Trường Sa về gần hơn với những người dân đất Tổ đã trở thành hiện thực.

Từ khi được xây dựng tại các trường học trên địa bàn, các mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa đã phát huy ý nghĩa giáo dục to lớn, truyền đến học sinh lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền biển, đảo của đất nước. Biển, đảo của Tổ quốc, Trường Sa, Hoàng Sa đã không chỉ dừng lại ở sách vở, hình ảnh, mà đã thực sự hiện hữu trong không gian sư phạm của mỗi nhà trường với mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa vừa gần gũi, vừa thiêng liêng.

Mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa còn trở thành nơi sinh hoạt chính trị của cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường; là nơi các em học sinh thường tìm đến để đọc sách, trò chuyện về lịch sử dựng và giữ nước hào hùng của dân tộc, lịch sử về hai quần Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam… Đồng thời, các mô hình cũng mở ra nhiều hoạt động hướng về biển đảo của các đơn vị trên toàn huyện. Nhiều hoạt động ngoại khóa biển, đảo, như tọa đàm, giao lưu, triển lãm tranh chủ đề biển, đảo và bộ đội hải quân... đã được tổ chức có hiệu quả. Qua đó, giúp các em học sinh cảm nhận sâu sắc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần vì biển; giúp thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng quê hương đất nước đẹp giàu.

"Nhìn Quốc kỳ kiêu hãnh tung bay trên mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa ngay tại sân trường, em tự nhủ phải gắng học tốt để góp sức mình xây dựng và bảo vệ non sông. Trường Sa không xa. Nhờ có mô hình này mà quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cách Phú Thọ quê em hàng nghìn cây số vẫn trở nên gần gũi, thân quen", em Trần Văn Thành, học sinh lớp 9, Trường THCS Phú Khê (xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê) chia sẻ cùng chúng tôi.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê Bùi Ngọc Luận, với sự chung tay của các tổ chức, các lực lượng, nhất là các cấp bộ Đoàn và ngành giáo dục, các mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa là công trình chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết hướng về biển, đảo cho các em học sinh nói riêng, cho thế hệ trẻ nói chung.

Các mô hình còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tạo động lực và tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ hải quân nơi đảo xa có thêm ý chí quyết tâm giữ nước và sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; giúp các em học sinh nhận thấy được ý thức, trách nhiệm tiếp nối của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hôm nay và mãi mãi về sau.



(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có một Trường Sa nơi miền đất Tổ