Không ít phụ huynh muốn con vào học đầu cấp những ngôi trường tốt, trường điểm hoặc chỉ để thuận tiện đưa đón nên dùng nhiều cách để “chạy” trường.
Nhu cầu chọn cho trẻ ngôi trường tốt là chính đáng. Có thể để thuận tiện đưa đón, cơ sở vật chất khang trang, giáo viên giàu kinh nghiệm hay thành tích học tập của trường đó tốt. Đặc biệt, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông khác nhau và không đồng đều. Một số trường được đầu tư kỹ lưỡng, hoặc các trường xây dựng sau này có thiết kế, cơ sở vật chất hơn hẳn so với các trường khác.
Những yếu tố này đã củng cố thêm mong muốn của phụ huynh. Tuy nhiên, việc phụ huynh chạy trường sẽ dẫn đến gia tăng tình trạng bất công trong giáo dục, khi những học sinh lẽ ra được vào đúng tuyến hoặc đơn vị giáo dục đó có thể không có chỗ học.
“Đối với các thành phố lớn và đông dân, việc có đất xây trường vô cùng khó khăn. Tôi kiến nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng cho phép trường tiểu học được xây dựng với chiều cao khoảng 5 - 6 tầng, thiết kế đảm bảo an toàn, thuận lợi cho học sinh học tập, sinh hoạt và vui chơi”. - Ông Lê Ngọc Điệp - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh)
Về giải pháp để ngăn chặn tình trạng này là câu chuyện vĩ mô bởi liên quan đến việc đảm bảo chất lượng giáo dục tương đối đồng đều giữa các trường thậm chí địa phương. Đây là vấn đề cần giải quyết lâu dài và nhiều khó khăn thách thức đối với bối cảnh đông học sinh, nhiều trường học như ở Việt Nam.
Do vậy, khó để nói trường học nào tốt nhất, chỉ có những trường học phù hợp với điều kiện gia đình, năng lực học tập của học sinh, nguyện vọng mong muốn của phụ huynh. Điều quan trọng khác, nhà trường không phải là nơi duy nhất để đóng góp vào thành công của trẻ mà yếu tố gia đình cũng quan trọng. Do đó giải pháp để hạn chế vấn đề này là phải thay đổi nhận thức của phụ huynh.
Nếu học sinh học đúng tuyến, đúng quy định có thể vào trường học đó. Trong trường hợp không vào được có thể gửi trẻ đến môi trường khác phù hợp, chứ không nhất thiết chạy đua vào một ngôi trường được cho là trường điểm. Việc chạy trường vô tình góp phần vào duy trì sự không công bằng trong xã hội. Đó cũng không phải là việc làm được coi là làm gương cho trẻ.
Tại TP Hồ Chí Minh, dân số tăng cơ học nhanh, số lượng dân cư trú ngày càng nhiều. Trường học xây mới rất ít, không đáp ứng đủ số lượng học sinh cấp tiểu học theo tiêu chuẩn 35 học sinh/lớp và không quá 30 lớp/trường. Việc chạy trường đầu năm học đã kéo dài rất lâu, tôi tạm chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất, khi còn thi tốt nghiệp tiểu học. Các trường điểm bao gồm nhiều yếu tố như có bán trú, giáo viên dạy giỏi, học sinh thi tốt nghiệp có nhiều thủ khoa, học sinh giỏi các cấp. Những trường này được phụ huynh lựa chọn và “chạy” mọi cách để được học. Cha mẹ rất vui và tự hào khi trên áo con mình mang phù hiệu của ngôi trường đó. Ngoài ra, học sinh có danh hiệu thủ khoa và học sinh giỏi sẽ được ưu tiên vào cấp THCS danh tiếng trong thành phố kể cả trái tuyến.
Ở giai đoạn thứ hai là khi Bộ GD&ĐT bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và học sinh giỏi các cấp, tiêu chí của phụ huynh khi chọn trường cho con có sự thay đổi. Ngoài việc trường có bán trú, phụ huynh còn quan tâm hơn đến cơ sở vật chất, trường đẹp, khang trang, rộng lớn, trang thiết bị đầy đủ, có chương trình tiếng Anh và các chương trình hỗ trợ nước ngoài… Bên cạnh đó, danh tiếng của hiệu trưởng và đội ngũ giáo viên tận tâm, yêu thương học sinh cũng là yếu tố quan trọng khi phụ huynh chọn trường cho con.
TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch xây trường đáp ứng số lượng dân cư và chuẩn số lượng học sinh cho các cấp học. Sở GD&ĐT cũng kết hợp với khu phố trên địa bàn để tuyển sinh trực tuyến… Tuy nhiên, phụ huynh vẫn tìm hiểu, so sánh giữa trường này với trường kia, chạy trường học bằng nhiều lối ngang dọc. Việc chọn trường và chạy trường tồn tại lâu và âm thầm diễn ra với nhiều cách thức khác nhau.
Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đề cao sự công bằng. Trẻ em, học sinh là tương lai của quốc gia. Tôi xin có 3 kiến nghị.
Thứ nhất, ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh nên đầu tư các trường công lập như nhau. Dù sống ngoài phố hay trong ngõ hẻm, trẻ em học ở trường công lập đều không có sự khác biệt. Phải coi đây là tính ưu việt của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Thứ hai, trường công lập dạy theo chương trình giáo dục của Bộ GD&ĐT. Tất cả chương trình liên kết, ngoại khóa của nước ngoài và tư nhân, cần thành lập trung tâm để phụ huynh lựa chọn theo khả năng. Thứ ba, thành lập quỹ hỗ trợ học đường cấp thành phố và quận, huyện, kêu gọi các nhà hảo tâm, công ty trong và ngoài nước đóng góp xây dựng nền giáo dục tiến bộ cho công dân tương lai.
Các cấp chính quyền cần tuyên truyền vận động và điều phối hỗ trợ học sinh, giáo viên gặp khó khăn, bệnh tật. Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị để có sự đồng đều tương đối giữa các trường. Từ đó, học sinh sẽ được hưởng một nền giáo dục công bằng. Ngoài ra, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có thể được ưu tiên được chọn trường cho phù hợp với tuyến đường đến cơ quan làm việc.
Tại TP Hồ Chí Minh, số lượng học sinh tăng mạnh qua các năm nhưng số trường, lớp đáp ứng nhu cầu và tốc độ xây dựng không thể theo kịp. Năm học 2023 - 2024, Thành phố có 2.325 trường với hơn 1,7 triệu học sinh, tăng hơn 35.000 em so với năm trước. Trong một nền giáo dục chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân về việc học thì lựa chọn trường có chất lượng tốt cho trẻ là một thực tế.
Có một lý do phổ biến của phụ huynh khi “chạy” trường là sự lựa chọn chất lượng giáo dục vì không phải trường nào cũng có chất lượng cao như nhau. Cho nên, để tình trạng “chạy” trường không diễn ra, chỉ còn một cách tốt nhất là cung ứng điều kiện giáo dục tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ví dụ, mỗi lớp bắt buộc phải lắp máy lạnh để học sinh ngồi học thoải mái giữa thời tiết nắng nóng. Trang thiết bị dạy học phải tốt hơn để thầy cô có những bài giảng hiệu quả, hấp dẫn, tăng chất lượng giáo dục. Khi chất lượng trường học đồng đều, câu chuyện chạy trường, lớp sẽ hạn chế xảy ra. Theo đó, bên cạnh việc quan tâm, đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, khâu then chốt vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, chúng ta phải xem xét những cách thức để minh bạch việc xét duyệt hay thi tuyển rõ ràng.
Giải pháp ngăn tình trạng chạy trường đầu tiên phải thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ môi trường học tập chỉ là một phần tác động đến kết quả học tập của học sinh. Quan trọng nhất là thái độ, động cơ học tập của trẻ. Thái độ học tập ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp thu kiến thức của các em. Ngoài ra, phụ huynh phải tính đến khả năng nhận thức. Một học sinh có chỉ số thông minh thấp, khả năng tiếp thu hạn chế thì ở môi trường nào đi nữa kết quả học tập cũng không cao.
Bên cạnh đó, phải tuyên truyền cho phụ huynh hiểu thực tế, ở ngôi trường danh tiếng, chất lượng học tập cao nhưng không phải 100% thầy cô đều giỏi. Bất cứ ngôi trường nào cũng có những thầy cô lớn tuổi, khả năng tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại khó khăn. Nếu vào được những ngôi trường danh tiếng mà được xếp vào lớp những giáo viên này thì kết quả học tập cũng không khả quan.
Đồng thời phải tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh là sức khỏe. Nếu di chuyển trên đoạn đường xa, khói, bụi, kẹt xe mất nhiều thời gian sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Một học sinh học trường xa kết quả chưa biết thế nào nhưng sau một ngày học mệt mỏi mà phải vạ vật trên đường phố năm này qua năm khác sẽ bào mòn sức khỏe. Trong khi đó, thay vì dành thời gian di cho chuyển, học sinh học ở gần nhà được nghỉ ngơi giải trí phục hồi sức khỏe.
Thực tế là việc phụ huynh xác định một trường điểm, danh tiếng đa số qua truyền thông hoặc rỉ tai nhau và chưa được trải nghiệm. Vì vậy, các trường cần đẩy mạnh truyền thông để tạo niềm tin cho phụ huynh, đẩy mạnh đổi mới phương pháp, trang bị nâng cấp cơ sở vật chất khang trang hiện đại. Đấy là một trong những tiêu chí quan trọng để phụ huynh quyết định lựa chọn trường cho trẻ.
“Nhu cầu phân bổ chỗ học của người dân hiện nay hết sức đa dạng. Có phụ huynh muốn trẻ học trường gần nhà, có gia đình lại muốn con em học gần nơi làm việc của bố mẹ hoặc trường có anh, chị đang theo học để thuận tiện đưa đón. Ngoài ra, một số gia đình có tâm lý “chạy đua” vào trường nào đó theo nhu cầu cá nhân,…
Từ thực tế đó, năm học 2024 - 2025, ngành GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức tuyển sinh thành 2 đợt đối với lớp 1, 6. Với đợt 1 ưu tiên xét tuyển các trường hợp đang cư trú thực tế trên địa bàn; đợt 2 tiếp tục phân bổ chỗ học đối với các đơn vị trường học chưa tuyển đủ học sinh so với chỉ tiêu được giao.
Việc phân ra 2 giai đoạn tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho các địa phương mở rộng tối đa số học sinh được tiếp nhận, giải quyết các trường hợp phụ huynh từ chối chỗ học được phân bổ trong đợt 1, qua đó nâng cao hiệu quả tuyển sinh cho các trường”. - Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh