"Lãi suất giảm quá, để tiền trong ngân hàng cũng không được là bao trong khi giá vàng tăng từng ngày nên tôi muốn đi mua tích trữ". Chị đồng thời cho biết, chị đã mua tạm ít vàng nhẫn trước khi tìm cửa hàng khác để mua thêm vàng SJC.
Và trong lúc thị trường đang sôi động như lúc này, trên các diễn đàn về đầu tư tài chính, khá nhiều nhà đầu tư quan tâm theo dõi thị trường các kênh đầu tư tài chính đã đặt câu hỏi, đó là: “Nếu có tiền nhàn rỗi, bạn có mua vàng tích trữ?”
Tài khoản Xuân Thu cho rằng: “Vàng và ngoại tệ mạnh là khoản đầu tư an toàn. Luôn phải có trong danh mục đầu tư”.
Tài khoản Đức Long chia sẻ: “Mừng quá, sau 3 năm đi làm tôi đã có 3 cây vàng. Mua từ lúc gần 60triệu/lượng, giờ vàng lên 80 triệu/lượng như vậy tôi đã lời được 60tr nữa rồi”.
Trong khi đó, tài khoản Minh Châu Tạ bình luận: “Ngày xưa, các ông bà có ít kênh đầu tư, khi có tiền họ toàn mua vàng xong giữ đó thậm chí tới cả chục năm. Như vậy, khi bán cả gốc và lãi mới thành món hời lớn. Nhưng ngày nay, ngoài vàng, có khá nhiều kênh đầu tư linh hoạt khác, nên nhiều người trẻ như mình chỉ coi vàng là kênh đầu tư thứ yếu hoặc mang tính thời điểm”.
Tài khoản Hạnh Nguyễn cũng bình luận: "Hiện vẫn có nhiều người thích mua vàng để trữ và chờ sau này tăng giá. Sự thực thì giá vàng tăng mạnh, năm nay ai đầu tư vàng cũng đều lãi hơn các kênh khác nếu so với chứng khoán và gửi ngân nhàng. Đặc biệt, trong thời điểm cuối năm này, lãi suất xuống thấp, khá nhiều người có xu hướng chuyển sang đầu tư vàng. Tuy nhiên, nếu ta vẽ ra bài toán gửi ngân hàng, để đó dài hạn (hơn ba năm trở lên), áp dụng lãi kép chứ không rút lãi để tiêu xài, thì sau tầm 5 năm rút ra, có thể được số lãi ngang ngửa với tiền giá vàng tăng lúc bấy giờ. Đấy là chưa kể việc, bạn chắc chắn có số tiền lãi khi gửi tiết kiệm, còn giá vàng có lên như kỳ vọng hay không thì cũng khó mà đảm bảo".
Đồng quan điểm, tài khoản Minh Tân cũng cho rằng: "Quan trọng tầm nhìn đầu tư của bạn đến đâu? Những người để dành vàng cả đời, thì kiểu gì cũng lãi rất lớn. Nhưng đôi khi dù ôm tận 5-10 năm, lãi vẫn chẳng được bao nhiêu, mà tính ra mất khá nhiều chi phí, cơ hội đầu tư cái khác. Vì vốn cứ cứ phải nằm đó, bạn không dám rút ra làm cái khác sinh lời hơn. Cho nên, nếu bạn không có kế hoạch dùng đến tiền trong thời gian trên 5 năm, bạn có thể mua vàng để đó, hoặc bạn cũng có thể gửi ngân hàng, kỳ hạn trung đến dài hạn. Cứ đáo hạn, bạn lại lấy lãi gộp vào gốc rồi gửi tiếp, sinh lời kép. Nhưng ngược lại, nếu chỉ để lướt sóng, thì vàng luôn là kênh đầu tư mạo hiểm vì giá vàng lên xuống thất thường, chưa kể biên độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là quá cao, tới lên gần 20 triệu đồng/lượng.
Một số tài khoản khác thì dí dỏm để lại bình luận: “Tôi cũng muốn mua vàng, nhưng vì không có nhiều tiền”; “Lương tháng của tôi chưa mua nổi một chỉ vàng”; “Vàng không phải là mặt hàng thiết yếu, không cần bình ổn giá, ai có nhiều tiền cứ mua tích trữ chờ sinh lời, tôi không có tiền nên không quan tâm”…
Góp ý thêm về việc này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng tư vấn: “Người mua vàng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới. Về lâu dài, giá vàng trong nước cũng sẽ biến động tăng giảm theo giá thế giới, nên việc đảo chiều là hoàn toàn có thể xảy ra”.