Các nhà giáo nêu quan điểm về việc nên hay không tính điểm hệ số 2 với môn Toán và Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025.
Các nhà giáo đồng thời bày tỏ mong muốn với kỳ thi vào THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018.
Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), quy định nhân đôi điểm thi môn Toán, Ngữ văn trong thi tuyển vào lớp 10 đang có ý kiến trái chiều.
Theo những giáo viên dạy lớp 9 và trực tiếp ôn thi lớp 10 của nhà trường, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025 đối với các trường THPT không chuyên, nếu tổ chức thi 3 môn (Toán, Ngữ văn, môn thứ ba) thì nên nhân hệ số 2 với 2 môn Toán và Ngữ văn; phương án 2 chỉ tổ chức thi 2 môn, Toán và Ngữ văn thì không nhân hệ số. Mỗi phương án có ưu, nhược điểm riêng, các địa phương sẽ áp dụng sao cho phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế, tránh gây áp lực và vì quyền lợi người học.
Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh quan điểm của Chương trình GDPT 2018 là tạo sự bình đẳng giữa các môn học. Chính vì vậy, trong đánh giá học sinh hiện nay không phân biệt môn chính, phụ, không nhân hệ số hoặc lấy làm điều kiện trong xếp loại học sinh. Nhưng thực tế môn Toán, Ngữ văn bao giờ cũng được chọn làm môn cốt lõi ở các kỳ thi.
“Theo quan điểm của tôi, không nên nhân hệ số với các môn cơ bản như Văn, Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Chỉ cần thi 2 môn này bởi nếu có thêm sẽ khó khăn, tốn kém cho kỳ thi hơn. Môn được chọn có thể là sở trường của học sinh này, nhưng có thể không phải môn thế mạnh của học sinh khác, và thế là bất bình đẳng, không đúng tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Việc nhân hệ số cho một vài môn học trong thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ phù hợp với trường chuyên”, thầy Hòa cho hay.
Thông tin Bắc Kạn có thực hiện nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10, tuy nhiên, cô Dương Thị Hồng Minh - Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (huyện Na Rì) nêu quan điểm không nên tiếp tục áp dụng cách này trong kỳ thi năm sau. Bên cạnh lý do quan trọng từ mục tiêu Chương trình GDPT 2018, việc không phân biệt môn chính, phụ còn giúp giảm áp lực, bảo đảm công bằng hơn với tất cả học sinh.
Cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) thẳng thắn cho rằng, việc nhân hệ số trong tính điểm vào lớp 10 từ năm 2025 là không nên. Lý do thứ nhất, Chương trình GDPT 2018 hướng tới phát triển toàn diện học sinh. Nhân hệ số môn Văn và Toán vô hình trung tạo ra cho thầy, cô giáo, phụ huynh và học sinh suy nghĩ đây là môn học chính, quan trọng, còn các môn khác chỉ là môn học phụ; dẫn đến tâm lý coi nhẹ, xem thường các môn học còn lại.
Thứ hai, cách đánh giá, tính điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ảnh hưởng nhiều việc tổ chức dạy và học, cũng như tâm lý của thầy cô, cha mẹ, học sinh. Cha mẹ sẽ chỉ chú trọng cho con học Văn, Toán với thời lượng nhiều nhất, dẫn đến học lệch, học tủ và thiếu hụt nhiều kiến thức các môn học khác, dẫn tới khó khăn trong phân ban cho học sinh THPT.
Thầy Tạ Duy Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Văn (Phú Thọ) cho rằng không nên tính trọng số với môn học nào trong thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025, trừ trường THPT chuyên. Với lớp chuyên, tính hệ số môn chuyên là cần thiết vì phân hóa được học sinh có năng khiếu môn học đó. Thầy Kiên đề nghị, vì 2025 là năm đầu tiên thi vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 nên cần có đề thi minh họa để thầy cô có định hướng, ôn tập cho học sinh, tránh tình trạng hoang mang, lo lắng.
Với kỳ thi vào lớp 10 từ năm 2025, thầy Nguyễn Tiến Dũng mong muốn Bộ GD&ĐT có định hướng chung cho các sở GD&ĐT định dạng cấu trúc đề thi để các địa phương vừa phát huy sáng tạo, tự chủ; vừa tuân thủ yêu cầu cơ bản, thiết yếu của học vấn phổ thông ở kỳ thi này. Giáo viên từ đó cũng chủ động nắm bắt để có biện pháp giảng dạy sát thực tế. Với địa phương cần sớm có ngân hàng đề thi, đề minh họa để giáo viên, học sinh tham khảo, tập dượt làm quen.
Vấn đề quan trọng nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2025, theo thầy Lê Văn Hòa, đó là đổi mới cách ra đề thi theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; coi trọng ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn. Vừa qua, đề thi môn Toán tuyển sinh lớp 10 ở TPHCM cũng tạo ra nhiều dư luận.
Theo thầy Hòa, cái tốt của đề thi là dám đổi mới và hướng vào ứng dụng thực tiễn; tuy nhiên chưa phù hợp với năng lực đa số học sinh và tính phân hóa chưa cao. Khắc phục điều chưa tốt, phát huy cái tốt là việc nên làm. Bản chất của con người là làm việc hướng theo mục tiêu, vậy nên, đổi mới khâu thi cử cần tạo ra động lực mới, thiết thực nhất cho việc học của học sinh.
Với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018, cô Đào Thị Hồng Hạnh mong muốn sẽ đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh, theo hướng “học gì, thi nấy” và chủ yếu đánh giá những kiến thức nền tảng, cơ bản của học sinh và các phẩm chất, kỹ năng. Điều đó đòi hỏi công tác tổ chức dạy học từ các nhà trường, việc giảng dạy của thầy, cô giáo phải là quá trình giúp học sinh tiếp nhận được kiến thức cơ bản, phát triển những phẩm chất, năng lực theo đúng tư tưởng đổi mới của Chương trình GDPT 2018.
Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ) thì kiến nghị quy định tuyển thẳng vào lớp 10 nên bỏ đối tượng học sinh trường THCS nội trú. Những em này được học trong môi trường nội trú 4 năm THCS, hưởng các chế độ theo quy định; hơn nữa, khi tuyển đã lựa chọn học sinh khá tốt ở các vùng miền. Việc được tuyển thẳng cũng ảnh hưởng đến nỗ lực, cố gắng trong học tập và rèn luyện của các em. Với chế độ khuyến khích, cần thêm đối tượng học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Việc chỉ chú trọng một vài môn thi chắc chắn sẽ tạo ra tâm lý học lệch, học tủ, biến mục đích của việc học chỉ là để thi, chứ không phải quá trình trang bị kiến thức nền tảng, cũng như phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. - Cô Đào Thị Hồng Hạnh