Cá chép thường gắn liền với ngày cúng đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời. Ảnh: Thế Bằng. |
Theo TS Lý Tùng Hiếu, nghi thức cúng và thả cá chép thường gắn liền với ngày đưa tiễn ông ông Công, ông Táo về trời. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng chạp, mọi người sẽ cúng cá chép, sau đó phóng sinh loài cá này với niềm tin cá chép sẽ hóa rồng - rồng đưa ông Táo về trời.
Tuy nhiên, TS Hiếu cho biết trong các sự tích về ông Công, ông Táo, nghi thức cúng cá chép đều không được đề cập. Đồng thời, không quy định nào bắt buộc mọi người phải cúng và thả cá chép trong nghi lễ tiễn đưa ông Công, ông Táo.
TS Hiếu nhận định đây là nghi thức được người dân tạo ra và dựa trên cổ tục ngày xưa để thực hiện cho đến tận bây giờ. Những người không tin tưởng cá chép có khả năng hóa rồng, bay về cõi thiên đình cũng không nhất thiết phải làm nghi thức này.
"Việc cúng cá chép sống trong lễ đưa tiễn ông Công, ông Táo của người Việt ở Bắc Bộ được xem là cách gia chủ giúp các ngài có phương tiện đi lại. Tương tự, ở Trung Bộ và Nam Bộ, người dân tặng một bức tranh 'cò bay ngựa chạy' cũng nhằm mục đích để ông Táo cưỡi. Tác dụng thực tế của các 'phương tiện đi lại' này cùng với các loại vàng mã như mũ, áo, hia, là để lễ cúng thêm màu sắc", TS Lý Tùng Hiếu nói.
Chia sẻ với Zing, TS Lý Tùng Hiếu thông tin cúng ông Công, ông Táo là phong tục lâu đời ở Việt Nam. Phong tục này được định dạng bởi một số tôn giáo, chủ yếu là Đạo giáo. Ở mỗi tôn giáo, lễ vật và nghi thức cúng tế cũng có sự khác nhau.
Cụ thể, TS Hiếu cho biết tục cúng ông Công, ông Táo ở Bắc Bộ; hay đưa, đón ông Táo ở Trung và Nam Bộ vốn bắt nguồn từ tục cúng Thần Đất, Thần Lửa và Thần Bếp của người Việt cổ và các tộc người Nam Á khác.
Về sau, phong tục này tích hợp thêm tục thờ cúng các vị thần bảo hộ gia đình của Đạo giáo (Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ) và của tôn giáo dân gian người Hán (Thổ Địa Bản Gia, Táo quân, Long thần, Tài thần). Vì vậy, các sự tích và nghi thức thờ cúng nhiều khi cũng bị trộn lẫn với nhau.
Theo TS Hiếu, việc cúng và thả cá chép được xem là một trong những hoạt động giúp nghi lễ đưa tiễn ông Công, ông Táo thêm màu sắc, bớt đơn điệu. Mặt khác, nó cũng có thể là sự kết hợp với niềm tin của một vài tôn giáo. Đôi khi, việc thả cá chép được người dân gửi gắm niềm tin phóng sinh theo đạo hiếu sinh của nhà Phật.
Ngày cúng ông Công, ông Táo, cá chép được buôn bán rất nhiều. Ảnh: Việt Linh. |
TS Hiếu nhận định nghi thức thả cá chép là không bắt buộc đối với mọi người. Tuy nhiên, trong trường hợp thực hiện nghi thức này, gia chủ phải mua cá chép vàng và có thể chọn lựa ngẫu nhiên về số lượng cá cũng như kích thước của chúng.
"Không tài liệu nào quy định phải thả bao nhiêu cá chép và kích thước của cá chép ra sao trong ngày cúng đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời. Nhưng gia chủ không nên mua và phóng sinh loại cá khác vì chỉ có cá chép mới gắn liền với ngày Táo quân", TS Hiếu nói.
TS Hiếu cho biết số lượng cá chép được cúng và thả trong lễ đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời có thể gia giảm tùy theo gia chủ. Nguyên nhân là người Việt có quan niệm khác nhau về nhân thân của ông Táo (ông Táo có thể là một thiên thần đơn nhất hay được gộp chung với ông Công hoặc được nhân ba theo sự tích "hai ông, một bà" để thuận tiện hơn cho việc thờ cúng).
Theo TS Lý Tùng Hiếu, thời gian nên thực hiện nghi lễ cúng ông Công, ông Táo là vào giờ chính Ngọ (khoảng 12h trưa) hoặc có thể làm sớm hơn, chứ không làm trễ hơn.
"Giờ cúng tốt nhất theo quy tắc chung của các nghi lễ cúng kiếng như cúng tổ tiên, thần linh đều là giờ chính Ngọ - khi dương khí thịnh - không ưu tiên những giờ trước đó hoặc sau đó quá xa. Mọi người có thể xê xích một tí, nhưng không nên quá nhiều", TS Hiếu nói.
TS Hiếu nhấn mạnh gia chủ bắt buộc là người thực hiện nghi thức cúng đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời.
"Việc chuẩn bị mâm cúng có thể do người nhà thực hiện, nhưng người đích thân thực hiện nghi thức cúng phải là gia chủ. Gia chủ không nên giao cho người nhà hay người giúp việc làm thay", TS Hiếu nói.
Sau khi tiễn ông Công, ông Táo, vào ngày 29 hoặc 30 tháng chạp (tùy thuộc vào tháng đủ hay tháng thiếu), gia chủ sẽ thực hiện nghi thức đón ông Công, ông Táo trở về. TS Lý Tùng Hiếu cho biết thời gian đón ông Công, ông Táo phải được diễn ra trước nghi lễ cúng tất niên.
"Táo quân cùng Thổ địa là các vị gia thần chứng giám và bảo trợ cho sự bình an và hạnh phúc của cả gia đình. Trong tâm thức của các tộc người Việt Nam, gia đình bao gồm cả người còn sống và người đã khuất. Vào những ngày giỗ, Tết, các thế hệ trong gia đình (theo nghĩa lớn) được thỉnh mời về phải đi qua vòng sàng lọc, điểm danh của các vị thần này nên chúng ta phải làm lễ đón các vị này trước khi đón tất niên", TS Lý Tùng Hiếu nói.