Doanh thu ký mới của mảng công nghệ thông tin nước ngoài đạt 29.777 tỷ đồng, tăng 37,6%, trong đó có 37 dự án với quy mô trên 5 triệu USD. FPT đặt mục tiêu doanh thu mảng công nghệ thông tin nước ngoài đạt 5 tỷ USD vào năm 2030 (tương đương mức tăng trưởng kép 26% trong giai đoạn 2024 - 2030).
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn nhờ dư địa nhiều cho phát triển. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.
“Với những triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm công nghệ thông tin vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số. Nhà đầu tư có thể cân nhắc cổ phiếu FPT, bởi đây là doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số và đang đầu tư mạnh mẽ vào Trung tâm dữ liệu”, KBSV dự báo.
KBSV cũng nhấn mạnh, tuỳ theo khẩu vị đầu tư, mỗi nhịp điều chỉnh sâu của cổ phiếu sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư tích luỹ với tầm nhìn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro cần chú ý khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin sẽ bao gồm tăng trưởng không như kỳ vọng do ảnh hưởng diễn biến của bối cảnh vĩ mô hoặc các dự án đầu tư bị chậm tiến độ.
Trước nhiều diễn biến tích cực của thị trường, các công ty chứng khoán, dự báo, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và VN-Index hướng về mức 1.268 điểm trong phiên kế tiếp.
Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định: VN-Index đang chững lại sau ba phiên tăng điểm mạnh trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản đang trở lại và ủng hộ đà tăng của chỉ số trở về vùng kháng cự 1.280 – 1.300.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cũng cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và VN-Index hướng về mức 1.268 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, áp lực điều chỉnh có dấu hiệu gia tăng khi các dấu hiệu phân kỳ giảm đang hình thành trên các chỉ báo kỹ thuật.
Nếu VN-Index không thể vượt được mức kháng cự 1.268 điểm trong phiên tới thì các nhà đầu tư được khuyến nghị tạm thời dừng mua mới. Tuy nhiên, nhóm phân tích đánh giá cơ hội mua mới trong ngắn hạn tiếp tục gia tăng.