Hôm nay là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này.
Thị trường tiếp tục tăng điểm ngay khi mở cửa nhưng lực tăng khá yếu. Chỉ số sau đó hạ nhiệt nhanh và có thời điểm thủng tham chiếu nhưng cũng đã trở lại ngưỡng điểm trên sau hơn 1 giờ giao dịch.
Nỗ lực giữ vững mốc 1.300 điểm trong phiên sáng tiếp tục được kéo sang phiên chiều. Có thời điểm VN-Index thủng mốc này, nhưng cũng nhanh chóng quay trở lại.
Bốn cổ phiếu ngân hàng: MBB, TPB, VPB và SHB có khối lượng giao dịch cao nhất sàn và bỏ xa phần còn lại trên bảng điện tử, khớp từ gần 39 triệu đến hơn 48,4 triệu đơn vị.
Kết quả phiên giao dịch ngày 13/6, Vn-Index tăng 1,32 điểm (tương đương 0,1%) lên 1.301,51 điểm, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. HNX-Index tăng 0,05 điểm (0,02%) lên 248,36 điểm. UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (0,12%) còn 99,02 điểm.
Thị trường nhiều sắc đỏ
Thanh khoản vẫn chưa cải thiện. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn có 154 mã tăng và 232 mã giảm, 77 mã đứng giá.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp với giá trị 1.413 tỷ đồng phiên hôm nay, trong đó khối này giải ngân 1.639 tỷ đồng và bán ra 3.053 tỷ đồng.
BID là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 0,63 điểm. Ở chiều ngược lại, FPT lấy đi của Vn-Index 0,61 điểm.
Phiên này, VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng tăng 0,26%, đạt 19.450 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này. Khối lượng giao dịch trong phiên này của VPB lên tới 44,3 triệu đơn vị. Cổ phiếu này đang gây chú ý với thị trường trong những phiên gần đây với thanh khoản sôi động.
Ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng
Trước đó, trong phiên 12/6, cổ phiếu VPB đã xác lập vùng giá cao nhất từ đầu tháng 11/2023 đến nay. Theo đó, vốn hoá thị trường của ngân hàng lên hơn 153.000 tỷ đồng. Đà tăng của VPB được hỗ trợ bởi dòng tiền mạnh. Cụ thể, trong phiên có hơn 69,93 triệu cổ phiếu VPB được sang tay bằng phương thức khớp lệnh, là mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 đến nay. Đây cũng là cổ phiếu đứng đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HoSE, nhiều hơn mã đứng sau là VIX gần 20 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, xét về giá trị, VPB chỉ đạt 1.308 tỷ đồng, vẫn kém FPT với 1.464 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Vietinbank, VPB có 4 động lực hỗ trợ đà tăng giá. Đầu tiên là kết quả tăng trưởng kinh doanh cải thiện trên nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ. Thứ hai là FEcredit có lãi trở lại sau hai năm liên tục thua lỗ với mức lãi kỳ vọng khoảng 1.200 tỷ đồng.
Hai yếu tố còn lại là nợ xấu có thể cải thiện về mức dưới 3% trong năm nay và dòng tiền duy trì ổn định giúp cho ngân hàng có thể chủ động chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với kế hoạch kéo dài 5 năm.