Chị HN, chủ một cửa hàng xe máy cũ ở quận Phú Nhuận, cũng chia sẻ một tháng qua bản thân chị không dám thu mua thêm chiếc xe cũ nào vì không biết có thể làm thủ tục sang tên được không. Ngược lại, khách mua xe từ cửa hàng cũng sợ điều tương tự nên tình hình mua bán không mấy khả quan.
“Trước đây tôi mua xe toàn làm giấy tờ ủy quyền, giờ quy định mới buộc phải sang tên chính chủ. Muốn làm như vậy thì phải tìm lại người chủ cũ, không thì phải đóng phạt do không thu hồi. Trong khi một chiếc xe chỉ lời khoảng 1-2 triệu đồng mà phải đóng phạt nữa thì còn lời lãi bao nhiêu” - chị N cho hay.
Những rủi ro khi mua xe ủy quyền
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ Điều 430 và Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng mua bán tài sản và hợp đồng ủy quyền là hoàn toàn khác nhau. Nếu mục đích của các bên giao dịch nhằm mua bán chuyển nhượng xe nhưng lại lập hợp đồng ủy quyền mà không làm hợp đồng mua bán, không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ là trái với pháp luật và có thể phát sinh nhiều rủi ro.
Rủi ro đầu tiên, căn cứ điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư 24/2023, chỉ với hợp đồng ủy quyền, người mua không thể thực hiện thủ tục đăng ký sang tên. Bởi hợp đồng mua bán mới là chứng từ chuyển quyền sở hữu xe.
Rủi ro tiếp theo, quyền lợi của bên mua sẽ bị hạn chế trong phạm vi ủy quyền. Bên bán có thể ký hợp đồng ủy quyền cùng lúc với nhiều người hay đem bán một chiếc xe cùng lúc cho nhiều đối tượng.
Riêng đối với hợp đồng ủy quyền ô tô, trong một số trường hợp nhất định giữa các bên giao dịch có thể bị chấm dứt hoặc vô hiệu hợp đồng ủy quyền bất kỳ lúc nào theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc mua bán ủy quyền có thể sẽ phát sinh những vấn đề khác khi xảy ra mâu thuẫn về quyền và nghĩa vụ giao nhận tiền, tài sản, cũng như phát sinh những bất lợi khi thực hiện các giao dịch khác liên quan đến chiếc xe đó.
“Dù mua bán xe với hình thức hợp đồng ủy quyền hay đã có hợp đồng mua bán mà một thời gian lâu rồi vẫn chưa làm thủ tục thu hồi đăng ký sang tên xe thì cả người bán và người mua có thể phải đối mặt với nhiều hệ lụy. Nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng thì một số trường hợp liên quan đến vụ tai nạn giao thông hoặc các vấn đề vi phạm hình sự, cơ quan chức năng sẽ mời gọi chủ sở hữu trước đó để làm rõ trách nhiệm. Điều này chứng tỏ rằng việc thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu để đăng ký, sang tên khi mua bán xe là cần thiết” - luật sư Sơn nói.
Xe mua ủy quyền có bị xử phạt? Theo Nghị định 100/2019 (sửa đổi bởi Nghị Định 123/2021), không có lỗi nào gọi là lỗi đi xe không chính chủ, vì thế chạy xe được mua ủy quyền sẽ không bị phạt. Tuy nhiên, trong công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hay công tác đăng ký xe phát hiện xe không chính chủ thì người mua xe ủy quyền có thể bị xử phạt với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe. Mức phạt với xe máy là 400.000-600.000 đồng cho cá nhân, 800.000-1,2 triệu đồng cho tổ chức. Ô tô thì bị phạt 2-4 triệu đồng cho cá nhân, tổ chức thì bị phạt 4-8 triệu đồng. Đồng thời, theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 24/2023, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi. Nếu không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó và sẽ bị xử phạt về hành vi không làm thủ tục thu hồi. Mức phạt với xe máy là 800.000-2 triệu đồng cho cá nhân, tổ chức thì 1,6-4 triệu đồng. Đối với ô tô là 2-4 triệu đồng cho cá nhân, 4-8 triệu đồng cho tổ chức. Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM |