Tại hội nghị, một số đại biểu các trường đại học chia sẻ những tiện ích, kết quả tích cực sau thời gian triển khai nhập liệu và sử dụng HEMIS. Tuy nhiên, một số trường cũng bày tỏ một số khó khăn trong quá trình sử dụng dữ liệu trên hệ thống này.
Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã trao đổi, giải đáp thắc mắc, đồng thời phát biểu kết luận hội nghị.
Theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, giai đoạn 2023-2030. Đề án được áp dụng cho từng cơ sở giáo dục, địa phương và ngành.
Thứ trưởng yêu cầu Văn phòng Bộ công khai đề án, khẩn trương xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với từng bậc học, trình độ đào tạo; trình Bộ trưởng ban hành và hướng dẫn các trường triển khai.
“Việc này cần lồng ghép với các đánh giá khác như chuẩn cơ sở giáo dục đại học, thi đua hằng năm…, tránh việc có quá nhiều các quy trình đánh giá với cơ sở giáo dục đại học”, Thứ trưởng yêu cầu.
Mục tiêu của việc đánh giá không đơn thuần là báo cáo với cơ quan quản lý. Việc đánh giá phải hướng sự hài lòng của người dân, người học với cơ sở giáo dục, từ đó cải tiến các quy trình nội bộ.
![]() |
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kết luận hội nghị, sáng 3/10. Ảnh: Mạnh Tùng |
Về HEMIS, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, đây không chỉ là cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT mà là cơ sở dữ liệu của toàn ngành giáo dục và đào tạo.
Trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, hệ thống này được xác định là cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu trong tương lai: đưa hệ thống này trở thành cơ sở dữ liệu quốc gia.
HEMIS không đơn thuần là nơi để các trường báo cáo, thống kê. Hệ thống này góp phần công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo.
Với nền tảng này, các cơ sở giáo dục đại học có thể cùng sử dụng, khai thác thông tin từ tuyển sinh, đào tạo, bằng cấp, thống kê số lượng sinh viên ra trường có việc làm, xu hướng ngành nghề, công nhận tín chỉ, chuyển trường…Từ đó, hệ thống cũng giảm thiểu tối đa các báo cáo thủ công như trước đây.
Về phía các trường đại học, Thứ trưởng yêu cầu quán triệt việc cập nhật HEMIS là trách nhiệm.
“Các trường đang thực hiện tự chủ đại học, trường đủ điều kiện là mở ngành, được xác định điều kiện tuyển sinh, ban hành các quy chế đào tạo… Cùng với những việc này, các trường có trách nhiệm giải trình. Cụ thể là việc nhập dữ liệu, cập nhật dữ liệu, các điều kiện đảm bảo chất lượng...”, Thứ trưởng yêu cầu.
Để cơ sở dữ liệu này luôn "đúng, đủ, sạch, sống", hệ thống phải được cập nhật liên tục. Bất cứ sự thay đổi nào trong dữ liệu tại các trường, hệ thống này phải cập nhật.
Đồng thời, những dữ liệu thống kê cần được tích hợp với các quy trình thủ tục, ứng dụng khác.
Sắp tới, mỗi giảng viên, sinh viên có tài khoản trên hệ thống chung để xem, kiểm tra, sử dụng dữ liệu.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị công tác văn phòng và truyền thông khối cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm năm 2023, sáng 3/10. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn giao các các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT rà soát, khắc phục những điểm vướng mắc và hoàn thiện cơ sở dữ liệu này.
Cục Công nghệ thông tin có cơ chế để các trường cùng khai thác dữ liệu trên hệ thống: Quyền truy cập, khai thác tới đâu; các quy định về bảo mật thông tin cá nhân, đảm bảo quyền riêng tư.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc triển khai HEMIS sắp tới có 4 đầu việc chính.
Trong đó, HEMIS sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, đảm bảo xác thực định danh người học và đội ngũ cán bộ; kết nối HEMIS với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Ngoài ra, hệ thống tiếp tục triển khai một số thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý thống nhất. API phần mềm quản trị tại các trường sẽ được kết nối với HEMIS.