“Từ số tiền huy động bằng nguồn xã hội hóa, ngoài tặng quà, nhà trường còn tổ chức xe đưa các em về nghỉ Tết miễn phí. Có khoảng 540 học sinh/11 huyện/thị miền núi được giúp đỡ. Các em sẽ không phải bỏ chi phí đi lại mà vẫn được về nhà đón Tết an toàn”, thầy Toàn thông tin.
Tương tự, hằng năm, Trường THPT Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) đều xây dựng kế hoạch và kêu gọi nguồn xã hội hóa, nhà hảo tâm quyên góp kinh phí để mua sắm quà Tết cho học sinh nghèo.
“Với cách làm này, Tết năm 2023, nhà trường trao tặng được 90 suất quà Tết cho học sinh nghèo, trị giá 300.000 đồng/suất. Năm nay, nhà trường dự kiến lo cho mỗi học sinh hoàn cảnh khó khăn 1 gói quà trị giá khoảng 300.000 đồng và thêm 2 chiếc bánh chưng, 1kg giò nạc ăn Tết”, thầy Vũ Ngọc Liêm – Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Học sinh Trường PTDTBT THCS Mường Lý nhận quà Tết của nhà từ thiện. |
Là hiệu trưởng trường tiểu học vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa), cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, thầy Đặng Xuân Viên canh cánh trong lòng nỗi lo làm sao để học trò nghèo đón Tết đầm ấm, đầy đủ hơn.
Tuy nhiên, do điều kiện nhiều khó khăn, thầy Viên và đội ngũ giáo viên nhà trường không thể cáng đáng mỗi học trò nghèo phần quà Tết tươm tất. Vì vậy, thầy bàn với tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường viết thư ngỏ, kêu gọi xã hội hóa, với hy vọng giúp học trò nghèo có những phần quà Tết ý nghĩa.
Thầy Viên chia sẻ: Tết là dịp để cùng nhau sum vầy, đoàn tụ trong hạnh phúc, yêu thương bên gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có gia đình trọn vẹn, điều kiện sắm Tết, quây quần với người thân. Đâu đó, vẫn còn những trẻ em, gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có học sinh mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà già yếu không còn khả năng lao động. Nhiều trò thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn đột xuất hay các em nhỏ ở bản làng xa xôi, hẻo lánh, tách biệt giữa muôn trùng núi rừng...
Trường Tiểu học Thanh Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) nằm ở vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong xã chiếm tới trên 80%, đời sống người dân lam lũ. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 287 học sinh, trong số này, có 20 em thiểu năng trí tuệ nhẹ, nhiều em mồ côi cha hoặc mẹ.
Ngoài ra, không ít học sinh có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn hoặc ly thân, đang ở với cô, dì, chú, bác, ông bà nội, ngoại già yếu không còn khả năng lao động. Hoặc, một số em có bố hoặc mẹ thường xuyên đau ốm vì bệnh tật, sức khỏe yếu, mất khả năng lao động, thiếu điều kiện chăm sóc nuôi dạy con…
“Để phong trào “Tết yêu thương - Xuân Giáp Thìn 2024 cho học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” đến được trò nghèo, chúng tôi đã viết thư ngỏ, thiết tha kêu gọi tấm lòng vàng của các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nhân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, thương người như thể thương thân.
Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ cho phong trào mang đậm tính nhân văn này, để mang lại niềm vui cho học sinh nghèo. Các em có thể đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi và hạnh phúc”, thầy Viên bộc bạch.
Còn thầy Bùi Xuân Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) cho hay, trước những khó khăn, thiệt thòi của học sinh, ban giám hiệu quyết định viết thư ngỏ, kêu gọi xã hội hóa để giúp các em có những phần quà Tết.
Thầy Thảo tâm sự: “Trong những năm gần đây, kết quả giáo dục nhà trường dần cải thiện, đem lại sự tin tưởng của nhân dân địa phương đối với nhà trường; đồng thời khẳng định vai trò của người thầy trong sự nghiệp giáo dục vùng biên. Trong kết quả đó, ngoài sự cố gắng của đội ngũ thầy, cô giáo còn có sự chung tay, đóng góp không nhỏ từ nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm dành cho đơn vị trong các hoạt động giáo dục nhà trường.
Trường Tiểu học Quang Chiểu 2 có 322 học sinh, đa số là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những mảnh đời khó khăn, thiếu thốn này đang rất cần sự chung tay giúp đỡ từ cộng đồng để có cái Tết đầm ấm”.
“Tết đến Xuân về, với những nghĩa cử cao đẹp, mang đậm chất nhân văn từ thầy, cô giáo, nhà hảo tâm đã làm vơi đi nỗi niềm cho nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, đáng thương. Đó là việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện sự quan tâm của nhà trường, giáo viên tới trò nghèo; nguồn động viên tinh thần lớn lao để các em phấn đấu trong học tập, gắn bó với trường lớp, bạn bè, thầy cô… từ đó duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Vũ Ngọc Liêm - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) nhấn mạnh.