Có thể mang thai khi bị lạc nội mạc tử cung? - Phần 1

07/01/2019, 11:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lạc nội mạc tử cung có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Nhưng rất may mắn là bệnh này có thể điều trị được. Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ cùng bạn tìm hiểu về lạc nội mạc tử cung và các phương pháp điều trị nếu bạn đang muốn có thai.

Lớp niêm mạc của tử cung được gọi là nội mạc tử cung. Dưới tác động của hóc-môn, lớp niêm mạc này có khả năng bong ra và tái tạo theo chu kì, tạo ra hiện tượng kinh nguyệt.

Khi một người phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, các mô niêm mạc này sẽ phát triển ở vị trí không phải bên trong tử cung, mà ở những nơi khác ví dụ như buồng trứng, ruột…

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung xuất hiện ở các khu vực khác trên cơ thể mà không phải bên trong tử cung, nhưng vẫn bị bong ra và gây chảy máu có tính chất chu kì tương tự như chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, do vị trí bất thường nơi lớp niêm mạc này phát triển, lượng máu chảy ra này không có nơi nào để thoát ra. Theo thời gian, máu đọng lại và các mô niêm mạc phát triển tạo thành u nang, mô sẹo và gây dính các cơ quan trong cơ thể với nhau.

Hầu hết các phương pháp điều trị lạc nội mạc tử cung là nhằm mục đích ngăn cản sự rụng trứng, ví dụ như dùng thuốc tránh thai. Khi bạn đang cố gắng có thai, bạn sẽ ngừng sử dụng các phương pháp này.

Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp nhất của lạc nội mạc tử cung là đau bụng và chuột rút nhiều. Nhưng vô sinh cũng có thể là một triệu chứng hoặc hậu quả của bệnh này.

Theo ước tính có khoảng 30-50% những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung khó có khả năng mang thai.

Lạc nội mạc tử cung có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng mang thai?

Vô sinh do lạc nội mạc tử cung có thể là tác động của một vài nguyên nhân.

Đầu tiên là do bệnh ảnh hưởng đến buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Trứng sau khi chín và rụng, sẽ di chuyển từ buống trứng qua ống dẫn trứng đến tử cung để làm tổ, nuôi dưỡng và phát triển bào thai. Nếu bạn bị lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng và ống dẫn trứng, lớp niêm mạc đi lạc này sẽ gây dính và cản trở trứng di chuyển về tử cung, khiến cho quá trình làm tổ của trứng được thụ tinh tại tử cung không thể thực hiện được.

Lạc nội mạc tử cung cũng có thể phá hủy trứng và tinh trùng. Hiện các bác sĩ cũng chưa biết lí do chính xác của hiện tượng này, một giả thuyết được đặt ra là do bệnh làm tăng cao mức đáp ứng viêm của cơ thể. Khi đó, cơ thể sẽ giải phóng ra các chất làm phá hủy trứng và tinh trùng, làm bạn không có khả năng mang thai.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Nếu đã từng được chẩn đoán bị lạc nội mạc tử cung, bạn nên đến gặp các chuyên gia về điều trị vô sinh trước khi bạn muốn có thai. Trong quá trình thăm khám, bạn có thể được xét nghiệm máu để đo lượng hóc-môn anti-mullerian (AMH) nhằm đánh giá số lượng trứng còn lại của bạn hay còn gọi là “dự trữ buồng trứng”. Phẫu thuật điều trị lạc nội mạc tử cung có thể làm giảm dự trữ buồng trứng của bạn, vì vậy bác sỹ sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm này trước khi lựa chọn phương pháp điều trị cho bạn.

Cách duy nhất để chẩn đoán chính xác lạc nội mạc tử cung là phẫu thuật để xác định vị trí lạc nội mạc. Nhưng những phẫu thuật này có thể để lại sẹo ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Khi được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn cắt bỏ những khối lạc nội mạc làm ảnh hưởng đến khả năng mang thai.

Nhưng nếu bạn đã có quan hệ tình dục không bảo vệ trong vòng 6 tháng và chưa có thai, hãy đến gặp bác sĩ. Nếu bạn nghĩ mình đang có một vài triệu chứng của lạc nội mạc tử cung, hãy chia sẻ với bác sĩ, để được khám và điều trị kịp thời.

(... còn tiếp...)

Phần 2 của bài viết, mời bạn đón đọc trong website của Viện y học ứng dụng Việt Nam: vienyhocungdung.vn

Tham khảo thêm thông tin trong bài viết: Các thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung

Ths.Bs. Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Tổng hợp từ Healthline

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có thể mang thai khi bị lạc nội mạc tử cung? - Phần 1