Hướng đến nhân lực chất lượng quốc tế đòi hỏi cơ sở đào tạo phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, mức độ tham gia của doanh nghiệp...
Ví như, để đạt được tiêu chuẩn ABET của Mỹ (Accreditation Board for Engineering and Technology – ABET, tổ chức kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo có uy tín trong cộng đồng quốc tế), các trường buộc phải có cố vấn doanh nghiệp trong từng chương trình đào tạo; doanh nghiệp phải tham gia rất sâu để thiết lập mục tiêu đào tạo.
Một số tiêu chuẩn quốc tế về cơ sở vật chất khá cao, thân thiện môi trường. Trong khi đó, điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng cho trường học, quan hệ hợp tác giữa các trường, viện với doanh nghiệp vẫn chưa hiệu quả.
Đặc biệt, để có thể quốc tế hóa chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu; tham gia các chương trình kiểm định quốc tế, cơ sở đào tạo cần nguồn lực đầu tư khá lớn.
Nếu kiểm định 1 chương trình trong nước, cơ sở đào tạo tốn trung bình 300 - 400 triệu đồng thì theo tiêu chí nước ngoài, con số có thể lên hàng tỷ đồng. Chuyển giao một chương trình quốc tế cũng không ít tốn kém. Nguồn lực tài chính hạn hẹp là nguyên nhân lớn khiến đến nay số cơ sở/chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng quốc tế còn khá khiêm tốn.
Hướng đến tự chủ không chỉ là xu hướng đối với giáo dục đại học, mà cả với giáo dục nghề nghiệp. Nếu tự chủ hiểu theo nghĩa tự lo nguồn thu thì cơ sở đào tạo khó đáp ứng các chuẩn mực chất lượng, nhất là hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.
Vì thế, với chương trình, dự án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cần có đầu tư thích đáng từ Nhà nước và địa phương theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cách đặt hàng và giao kinh phí đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2025 của TPHCM cho các trường đại học là mô hình cần nhân rộng.