Chính sách học bổng và hỗ trợ học phí mới được kỳ vọng giúp giảm gánh nặng tài chính; thu hút, giữ chân nhân tài, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, Bộ GD&ĐT đang xây dựng chính sách học bổng và hỗ trợ sinh hoạt phí dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.
Bộ GD&ĐT đang trong quá trình xây dựng chính sách xét cấp học bổng và hỗ trợ chi phí sinh hoạt nhằm giúp người học theo đuổi các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.
Tại hội thảo lấy ý kiến về chính sách vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Ngô Văn Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT), Phó Trưởng ban Soạn thảo, Tổ trưởng Tổ Biên tập, cho biết, chính sách được xây dựng trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành, hướng đến mục tiêu hỗ trợ và động viên người học có năng lực, triển vọng trong các ngành chiến lược; góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Ngô Văn Thịnh, dự thảo gồm 4 chương, 17 điều. Đối tượng áp dụng là tất cả cơ sở giáo dục đại học (công lập và ngoài công lập) có đào tạo các ngành thuộc danh mục được hưởng chính sách theo nghị định. Người học thuộc diện áp dụng bao gồm sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.
Chính sách hướng đến việc hỗ trợ học bổng và chi phí sinh hoạt nhằm giúp người học thuộc diện quy định trang trải học phí và các chi phí liên quan. Cụ thể, người học được Nhà nước cấp học bổng theo mức trần học phí quy định tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục của năm hiện hành theo chuyên ngành tương ứng.
Mức học bổng là 100% học phí đối với người học có kết quả học tập xếp loại xuất sắc; 70% đối với xếp loại giỏi; 50% đối với xếp loại khá. Ngoài ra, người học còn được Nhà nước hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng trong thời gian học tập tại cơ sở giáo dục. Thời gian hỗ trợ học bổng và chi phí sinh hoạt được tính theo số tháng học thực tế tại trường theo quy định, tối đa không quá 10 tháng/năm học.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế toàn cầu hóa, các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Thịnh, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này hiện còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình trạng thiếu hụt nhân tài cho thấy nhiều ngành khoa học – công nghệ tiên tiến đang thiếu nhân lực trình độ cao, đặc biệt là kỹ sư và nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản, có kỹ năng thực tiễn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới và phát triển các lĩnh vực mũi nhọn quốc gia.
Chính vì vậy, chính sách xét cấp học bổng được kỳ vọng sẽ thu hút và khuyến khích tài năng trẻ học tập, nghiên cứu và làm việc trong các lĩnh vực trên, đồng thời giúp người học giảm bớt gánh nặng tài chính. Đặc biệt, chính sách có ý nghĩa to lớn đối với người học có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tập trung học tập và nghiên cứu mà không phải lo lắng về chi phí. Qua đó, không chỉ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế đất nước trong tương lai.
Góp ý dự thảo chính sách trên, PGS.TS Dương Ngọc Khánh - Phó Trưởng ban Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) ngày càng gia tăng trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính sách học bổng hiện hành vẫn thiếu đồng bộ, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt ở bậc sau đại học.
Ông Khánh chỉ rõ, hiện nay đã có các chính sách miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội đối với người học, song thiếu vắng một chính sách học bổng mang tính định hướng rõ ràng cho việc phát triển nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật.
Việc phân bổ học bổng còn dàn trải, chưa thực sự ưu tiên cho các ngành chiến lược, trong khi phần lớn học viên sau đại học phải tự chi trả chi phí học tập và nghiên cứu - điều này đang cản trở quá trình hình thành đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư trình độ cao. Do đó, cần thiết lập một cơ chế học bổng minh bạch, linh hoạt và công bằng, phù hợp với đặc thù đào tạo các ngành khoa học - kỹ thuật. Cơ sở đào tạo cần được trao quyền chủ động hơn trong việc lựa chọn, xét cấp học bổng dựa trên tiêu chí năng lực và tiềm năng phát triển của người học.
Ở góc độ cơ sở đào tạo, TS Trịnh Thanh Đèo - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chính sách học bổng dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ tài chính đơn thuần, mà còn là công cụ quan trọng để thu hút nhân tài, khuyến khích học tập và nghiên cứu trong những lĩnh vực đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.
“Việc triển khai hiệu quả chính sách này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ sở đào tạo và chính người học. Đây không chỉ là câu chuyện của ngành Giáo dục mà cần sự vào cuộc tổng thể để tạo nên hệ sinh thái phát triển nhân lực đồng bộ, có chiều sâu”, ông Đèo chia sẻ.
Với góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực khoa học cơ bản, TS Trịnh Thị Thúy Giang - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phân tích, chính sách học bổng trên không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ tài chính mà còn là công cụ chiến lược để thu hút và bồi dưỡng nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực học thuật đòi hỏi nền tảng tri thức vững chắc.
Lấy ví dụ ngành Toán học, theo TS Giang, chính sách học bổng sẽ tác động tích cực đến học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục đào tạo, hệ thống khoa học nói chung. Chính sách tạo ra môi trường cạnh tranh tích cực giữa các cơ sở đào tạo, thúc đẩy sự quan tâm hơn tới việc phát hiện, bồi dưỡng và đồng hành cùng sinh viên có tiềm năng. Đây cũng là tiền đề để từng bước hình thành các trung tâm đào tạo, nghiên cứu Toán học mạnh trên phạm vi cả nước.
Từ thực tiễn triển khai chính sách học bổng và đào tạo, TS Trịnh Thanh Đèo đưa ra 6 kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách học bổng đang được xây dựng. Trước hết, cần mở rộng chính sách học bổng ra các bậc học cao hơn như cao học và nghiên cứu sinh - đối tượng đóng vai trò cốt lõi trong nghiên cứu, giảng dạy và dẫn dắt đổi mới khoa học - công nghệ trong tương lai.
“Hiện chính sách học bổng chủ yếu áp dụng cho bậc đại học, trong khi nhu cầu về đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy trình độ cao ngày càng cấp thiết. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng học bổng sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, tạo nền móng cho phát triển bền vững”, ông Đèo nhận định.
Bên cạnh đó, ông đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ toàn diện hơn ngoài phần học phí, bao gồm sinh hoạt phí, điều kiện nghiên cứu, cơ hội thực tập và kết nối doanh nghiệp nhằm giúp người học yên tâm phát triển học thuật và sáng tạo. Đồng thời, việc thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư trong cấp học bổng sẽ mở rộng nguồn lực tài chính và tăng tính hiệu quả, thực tiễn cho chính sách.
“Để chính sách học bổng phát huy được vai trò định hướng và tạo động lực lâu dài, chúng ta cần xây dựng cơ chế linh hoạt, đồng thời có sự tham gia của nhiều bên, từ Nhà nước, cơ sở giáo dục đến doanh nghiệp. Việc xã hội hóa nguồn lực không chỉ giúp mở rộng quy mô mà còn tăng khả năng gắn kết giữa đào tạo và thị trường lao động”, ông Đèo nhấn mạnh.
Nhận định, chính sách học bổng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc thu hút sinh viên vào các ngành STEM, khoa học cơ bản, công nghệ, TS Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, để công cụ chính sách này thực sự phát huy vai trò lâu dài và bền vững trên phạm vi toàn quốc, cần có những điều chỉnh chiến lược về cả quy mô và cách thức triển khai.
Theo TS Thưởng, trước tiên, Nhà nước và các trường đại học cần ưu tiên phân bổ ngân sách học bổng cho các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược - đúng theo định hướng mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng. Trong quá trình này, đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế như sinh viên nữ, người học đến từ vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số và hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, TS Thưởng đề xuất thiết kế các gói học bổng toàn phần, bao gồm học phí và sinh hoạt phí dành cho những trường hợp đặc biệt xuất sắc hoặc có hoàn cảnh khó khăn, để người học có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi ngành học mà không bị rào cản tài chính cản bước.
Bên cạnh yếu tố tài chính, ông Thưởng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kết hợp chính sách học bổng với chương trình mentoring và cơ chế cam kết công tác. Cụ thể, mỗi sinh viên nhận học bổng nên được kết nối với một người cố vấn (mentor) là giảng viên hoặc sinh viên khóa trên trong cùng lĩnh vực. Đây sẽ là người đồng hành trong học tập, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ kỹ năng mềm và giúp sinh viên vượt qua những trở ngại tâm lý, chuyên môn.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, để chính sách học bổng thực sự phát huy vai trò khuyến khích người học và thu hút nhân lực vào các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, cần mở rộng phạm vi áp dụng đối với sinh viên thuộc tất cả cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các ngành này, không phân biệt công lập hay ngoài công lập.
Ông Nhân cho rằng, mức học bổng hoặc các khoản trợ cấp có thể linh hoạt điều chỉnh theo từng năm học và điều kiện thực tế, nhưng cần bảo đảm đủ sức hấp dẫn với học sinh ngay từ thời điểm xét tuyển đại học. “Chỉ khi chính sách học bổng được thiết kế như một điểm cộng rõ nét trong quá trình định hướng ngành nghề, chúng ta mới có thể thu hút được những học sinh giỏi, thực sự có đam mê và năng lực vào các ngành học mang tính nền tảng cho phát triển đất nước”, ông Nhân khẳng định.
Theo dự thảo nghị định, nhóm ngành Khoa học cơ bản được quy định là Toán học; Thống kê; Khoa học máy tính (được xem là một ngành khoa học cơ bản trong lĩnh vực công nghệ); Vật lý học; Hóa học; Sinh học; Khoa học môi trường; Địa chất học; Địa lý tự nhiên; Khí tượng và khí hậu học; Thủy văn học; Hải dương học.
Nhóm ngành Kỹ thuật then chốt có 2 phương án. Phương án 1 là các ngành Công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Điện Điện tử, Tự động hóa, Cơ khí chính xác, Kỹ thuật hàng không, Vật liệu mới. Phương án 2 là các ngành Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật điện; Kỹ thuật công nghiệp; Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; Kỹ thuật công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử - viễn thông; Kỹ thuật cơ điện tử; Kỹ thuật hóa học; Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật phần mềm; Kỹ thuật cơ khí động lực; Kỹ thuật ô tô; Kỹ thuật thực phẩm; Kỹ thuật năng lượng; Kỹ thuật tự động hóa.
Nhóm ngành Công nghệ chiến lược có 2 phương án. Phương án 1 là các ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ Nano, Công nghệ vũ trụ, Công nghệ môi trường, Công nghệ năng lượng tái tạo. Phương án 2 gồm Công nghệ thông tin; Kỹ thuật phần mềm; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật tự động hóa; Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu; Công nghệ nano; Công nghệ thông tin - An toàn thông tin; Công nghệ môi trường; Công nghệ thực phẩm; Công nghệ điều khiển và tự động hóa; Công nghệ truyền thông đa phương tiện; Công nghệ y sinh; Công nghệ chế tạo máy; Công nghệ thông tin - Khoa học dữ liệu.