Theo nhóm tác giả, thời gian ủ và lên men khoảng từ 40 - 45 ngày. Khi kiểm tra thấy dung dịch có mùi thơm, hơi chua đặc trưng là nguyên liệu lên men đã phân hủy hoàn toàn.
Dùng vải loại bỏ phần bã thực vật và chiết ra các chai nhỏ ta được dung dịch nước tẩy rửa thô. Để dung dịch sau 1 - 2 ngày để phần cặn lắng xuống rồi tách chiết lấy phần dung dịch trong suốt phía trên và dùng để sản xuất nước rửa chén bát, nước lau kính, nước lau nhà...
Phần dung dịch có chứa cặn phía dưới được dùng để rửa bồn cầu, thông cống rãnh… Còn phần bã thực vật được sử dụng làm phân bón cũng có tác dụng cải tạo đất tốt.
Để xác định chất saponin có nhiều cách, nhóm dựa trên các tính đặc trưng của nó, đơn giản nhất là sự hình thành bọt cho sản phẩm. Dựa vào chỉ số bọt là độ pha loãng của nước sắc nguyên liệu cột bọt cao trên 1 cm sau khi lắc trong ống nghiệm, tiến hành qua nhiều phép thử và so sánh.
Dung dịch nước tẩy rửa sinh học từ thiên nhiên không có chất tạo đông, chất tạo bọt saponin từ tự nhiên có thể sử dụng để rửa bát, lau nhà, rửa kính, lau chùi nhà bếp một cách dễ dàng, an toàn. Ngoài đặc tính an toàn với da tay, sản phẩm còn giúp khử sạch mùi tanh, các vết dầu, mảng bám cứng đầu trên chén bát, đồ dùng ăn uống…
Để chứng minh độ an toàn, sau mỗi lần rửa chén hay nước đã qua tẩy rửa, nhóm lấy nước đi tưới rau cải và rau muống… đang trồng trong vòng 2 tuần. Qua quan sát cho thấy những cây rau đã được tưới bằng nước tẩy rửa này vẫn xanh tốt.
Theo cô Đặng Hồng Trúc Linh, dù có các ưu điểm như vậy, song nhược điểm của sản phẩm là thời gian bảo quản không dài, chỉ từ 15 - 20 ngày khi để ở nhiệt độ phòng và khoảng 35 - 40 ngày khi bảo quản trong tủ lạnh.
Sản phẩn còn ít bọt nên lượng nước sử dụng mỗi lần nhiều hơn khi sử dụng nước tẩy rửa hóa chất. Hiện, nhóm đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra công thức hiệu quả hơn, thời gian bảo quản lâu hơn.