Người con vẫn được mẹ nấu ăn sáng, chi trả toàn bộ phí sinh hoạt. Không những vậy, họ còn được bố mẹ dọn dẹp phòng ngủ, giặt giũ quần áo.
Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc đã công bố nghiên cứu trên 14.000 người trưởng thành trong độ tuổi 12 - 49 để điều tra về xu hướng những người độc thân vẫn phải sống phụ thuộc vào gia đình.
Kết quả cho thấy 49,7% người ở độ tuổi 30 và 48,8% người ở độ tuổi 40 (tham gia khảo sát) vẫn chưa kết hôn và sống cùng cha mẹ.
Nguyên nhân của thực trạng này là do độc thân và điều kiện kinh tế eo hẹp.
Nhiều người trưởng thành tại Hàn Quốc vẫn chọn cách sống cùng gia đình. Ảnh: The Korea Herald.
Choi Seon Yeong, người chủ trì nghiên cứu cho biết tỷ lệ những người 30- 40 tuổi không sống riêng vì chưa kết hôn ngày càng tăng. Điều này khiến họ vẫn giữ tâm lý lệ thuộc, ăn bám bởi có người thân sống bên cạnh.
Cũng theo báo cáo, hiện có 30% người Hàn Quốc trong độ tuổi 19- 49 tuổi sống cùng cha mẹ, nhưng khi thu hẹp khảo sát trong phạm vi "những người chưa kết hôn", con số này lên đến 62,4%.
Họ được gọi chung là "thế hệ chuột túi" (Kangaroo tribe) - cụm từ dùng để chỉ những đứa con sống phụ thuộc vào cha mẹ về mặt tài chính lẫn tình cảm ngay cả khi đã đủ lớn để tự lập.
Chuyên gia cảnh báo "thế hệ chuột túi" không chỉ gây tổn hại cho các hộ gia đình mà còn cả nền kinh tế đất nước.
Ông Jeon Young-soo, Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Hanyang, nói: "Chi phí để dành cho thế hệ này sẽ ngày càng lớn hơn khi họ ngày càng lớn tuổi và cha mẹ họ nghỉ hưu. Cuối cùng, chính phủ sẽ phải hỗ trợ họ và giúp họ sinh tồn theo đúng nghĩa đen".
Ông Jeon cho rằng các bậc phụ huynh nên ngừng hỗ trợ tài chính cho con cái trưởng thành.
Ông nói: "Những đứa trẻ này sẽ cần phải tìm mọi cách có thể để tự sinh tồn bất kể những thách thức kinh tế mà chúng gặp phải".
Người cao tuổi Hàn Quốc ngày càng dành nhiều thời gian và tiền bạc cho con cháu. Ảnh: Shutterstock
Trong khi đó, dữ liệu do Shinhan Card công bố cho thấy ngày càng có nhiều ông bà ở Hàn Quốc dành thời gian và tiết kiệm tiền bạc cho con cháu, vì lạm phát cao và dân số suy giảm khiến các bậc cha mẹ khó có thể tự mình chăm sóc con cái hơn.
Chính tâm lý bao bọc của phụ huynh cùng thúc đẩy xu hướng này phát triển. Song Jung-hyun (36 tuổ và Nang Yoon-jin (33 tuổi) đều là giáo viên một trường trung học cơ sở ở Seoul, có thể tự chủ tài chính, đủ điều kiện ở riêng nhưng cha mẹ của họ cho rằng phụ nữ chỉ nên chuyển ra ngoài khi kết hôn.
Cô Song cho rằng, với nhiều người việc sống cùng gia đình là cực hình, nhưng cô lại hài lòng, khi nhận thấy những lợi ích thiết thực. Cô vẫn được mẹ nấu ăn sáng, chi trả toàn bộ phí sinh hoạt. Mọi thứ không có nhiều thay đổi so với thời sinh viên, ngoài việc cô đã đi làm và có thể tiền tiết kiệm. Không những vậy, cô còn được bố mẹ dọn dẹp phòng ngủ, giặt giũ quần áo và đưa ra những lời khuyên trực tiếp.
"Ngược lại khi bố mẹ già đi, tôi có thể chăm sóc họ dễ dàng hơn. Họ cũng thường nói không dám tưởng tượng việc sống thiếu tôi", Song nói.
Cô giáo Song Jung-hyun, 36 tuổi, độc lập tài chính tuyên bố "sống cùng cha mẹ là hạnh phúc"
Theo Viện Giáo dục & Chăm sóc Trẻ em Hàn Quốc (Korea Institute of Child Care & Education), số lượng cha mẹ hỗ trợ tài chính cho con em trưởng thành liên tục tăng qua các thập niên. Mấy năm gần đây, dưới ảnh hưởng của Covid-19, số lượng thành viên "Bộ lạc Chuột túi" còn gia tăng chạm nóc.
Truyền thông đại chúng Hàn Quốc bày tỏ sự quan ngại trước thực trạng "ăn ở bám cha mẹ". Họ đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, clip những cha mẹ già vất vả, âu lo và đứa con trưởng thành vô tâm, lười nhác.
"Ngày nay, độc lập về kinh tế và nơi ở là chuyện vô cùng khó," - Lee Chul-hee, giáo sư Đại học Quốc gia Seoul, giải thích. "Kể từ năm 2000, giá nhà khắp Hàn Quốc liên tục tăng mạnh, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Ngược lại, thị trường việc làm thì bất ổn, thu nhập cũng không tăng là bao. Chúng khiến cho những người thuộc độ tuổi 30 – 40 gặp vô vàn trở ngại, dẫn tới khó có thể dọn ra ngoài sống một mình".