Chị Nhị thích thú khoe cách "tịch thu" điện thoại di động tại lớp học của con trai mình.
"Bản thân mình là phụ huynh, thấy cách quản lý điện thoại này của cô chủ nhiệm lớp rất thông minh và tiện ích, giúp giám sát, quản lý giờ học của các con ở trên lớp chặt chẽ, hiệu quả hơn. Cách này cũng giúp con mình và các bạn sử dụng điện thoại đúng mục đích, nâng cao hiệu quả học tập từng môn ở trường, hạn chế được hẳn tình trạng lạm dụng sử dụng điện thoại tràn lan của học sinh trong giờ học", chị Nhị nhận xét.
Nếu trước đây, vị phụ huynh này còn lo lắng, không muốn cho con mang điện thoại tới trường, đặc biệt là trong năm lớp 12 - năm học cực kỳ quan trọng thì bây giờ, chị cảm thấy yên tâm hẳn mỗi khi con đi học.
Theo điều 37 Thông tư 32/2020/TT/BGDĐT, học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép. Như vậy, theo thông tư này, học sinh chỉ bị giới hạn về việc sử dụng điện thoại chứ không bị cấm mang điện thoại vào trường.
Để phù hợp với quy định, tại một số trường học cũng đã ban hành những quy chế quản lý đảm bảo cho việc học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ cho việc học tâp và có sự cho phép, giám sát, quản lý của các cán bộ, thầy cô giáo trong nhà trường.
Cũng theo Thông tư 32/2020/TT/BGDĐT, mặc dù học sinh tự ý sử dụng điện thoại làm việc riêng trong giờ là vi phạm nội quy trường học nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nhà trường, giáo viên được phép tịch thu điện thoại của học sinh.
Tuy nhiên, giáo viên có quyền yêu cầu học sinh cất điện thoại vào cặp, hoặc tạm thời thu giữ và trả lại sau đó nhằm mục đích nhắc nhở, răn đe để học sinh tập trung vào việc học tập hơn thì hành vi đó không trái pháp luật. Nhưng, nếu giáo viên tịch thu hẳn điện thoại của học sinh mà không trả lại cho học sinh hoặc tự ý sử dụng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.