Giáo dục

Con chữ thắp lên hy vọng cho trẻ trên đỉnh Pù Hu

06/06/2024 07:27

Qua những cung đường rừng mất hàng giờ đồng hồ, vượt qua bi kịch gia đình, nhiều đứa trẻ ở Tà Cóm vẫn mong được đến trường học chữ, thắp lên hy vọng…

Vượt lên bi kịch

Thời điểm “bão” ma tuý hoành hành phức tạp nhất ở Tà Cóm đã đi qua, song những hậu quả mà nó để lại vẫn còn đeo bám mãi. Có thể phải mất 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn thế, những dư âm và hệ luỵ của nó mới có thể lùi xa.

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nơi từng là “vùng đỏ” về ma tuý như Tà Cóm không chỉ phải chịu cảnh mồ côi, cuộc sống khó khăn, mà cùng với đó là chặng đường học hành cũng vô cùng gian nan. Thế nhưng, với niềm tin có cái chữ sẽ thay đổi cuộc đời, nhiều đứa trẻ vẫn cố gắng đến trường.

Cách nhà 6km đường rừng, mỗi ngày để đến được điểm trường, hai anh em Sùng A Ư (5 tuổi) và Sùng A Long (3 tuổi) phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ. Bữa trưa của hai đứa trẻ này là hai đùm cơm trắng được mang theo từ sáng.

Theo các cô giáo thì điều đặc biệt ở hai đứa trẻ này không phải là việc mỗi ngày cuốc bộ hàng giờ đồng hồ để học chữ mà là dù bố bị nghiện, chúng vẫn vượt lên hoàn cảnh để đến trường.

Không chỉ anh em nhà Sùng A Ư, Giàng A Dế (6 tuổi) ở điểm trường tiểu học cũng ngày ngày vượt núi, băng rừng để đến trường. Bố Dế nghiện ma tuý, tàng trữ rồi bị bắt đi tù, Dế ở với mẹ nhưng ngày nào cậu bé cũng đều đặn đi học.

Cô giáo Lương Thị Kiềm, giáo viên Trường Mầm non Trung Lý cho biết, điểm trường mầm non đặt ở Tà Cóm có gần 70 học sinh thì khoảng 20 cháu có gia đình liên quan đến ma tuý. Khi đã gánh hệ luỵ của ma tuý, thì việc được đến trường, dù là bữa có bữa không, cũng đã là may mắn rồi.

Còn tại điểm trường tiểu học, có 77 học sinh thì hơn 10 học sinh có phụ huynh vướng vào nghiện ngập, có em cả bố và mẹ đều nghiện hoặc mẹ nghiện, bố đi tù.

Theo thầy giáo Vi Văn Bốn, giáo viên khu Tà Cóm, Trường Tiểu học Trung Lý 2, trường có nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mẹ nghiện, các em ở với ông bà, một số em nhà cách trường 5 - 6km, để đến được trường phải đi bộ gần 2 giờ đồng hồ thế nhưng vẫn nỗ lực đến trường.

“Nhiều hôm, trời mưa, đường trơn trượt hay mùa Đông sương mù không thấy đường, các em đến được trường đã là giờ ra chơi, nhìn rất thương. Những năm trước, mỗi năm học, chúng tôi nhiều lần phải đến tận nhà vận động học sinh ra lớp vì bỏ giữa chừng nhưng vài năm nay, được tuyên truyền học chữ thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi ma tuý, bà con đã động viên con em mình đến trường đều đặn hơn”, thầy giáo Hà Văn Hơn, Trưởng khu Tà Cóm, Trường Tiểu học Trung Lý 2 chia sẻ.

Thầy giáo Sùng A Nụ (trái), một trong 4 người con của bản có bằng đại học.
Thầy giáo Sùng A Nụ (trái), một trong 4 người con của bản có bằng đại học.

Sự học bắt đầu từ trong cái đói

Năm 2018, Sùng A Chai với nghị lực phi thường, trở thành người có bằng đại học đầu tiên ở bản Tà Cóm và sau này cũng là thầy giáo đầu tiên của bản nghèo này.

“Ở đây nếu không học thì sẽ mãi mãi ôm trọn cái đói, cái nghèo. Vì vậy, đừng lấy chồng, lấy vợ sớm, đừng rời xa trường lớp. Dù khó khăn đến mấy cũng phải học”, thầy Chai đã tuyên truyền tới những đứa trẻ ở Tà Cóm như thế.

Sùng A Chai là anh cả trong gia đình có 6 anh em, gia cảnh nghèo khó. Hơn 15 năm trước, sau khi học hết chương trình lớp 5 ở điểm trường trong bản, Sùng A Chai và các bạn băng rừng, lội suối ra Trường THCS Trung Lý (nay là Trường PTDT bán trú THCS Trung Lý) tiếp tục đi học. Hành trang theo Chai và những đứa trẻ người Mông khi ấy chỉ vỏn vẹn vài lon gạo.

Trường học chưa có bán trú, Chai và các bạn phải dựng lán ngay phía dưới trường để ăn ở, học tập. Cứ như vậy, khi nào hết gạo, Chai lại mất cả ngày trời đi bộ băng rừng về nhà xin gạo. Cũng bởi quá khó khăn nên những bạn đồng hành cùng Chai đã dần bỏ cuộc. Và rồi, đến năm lớp 9, chỉ còn mình Chai theo học.

Việc Sùng A Chai học hết lớp 9 lúc bấy giờ cũng xem như niềm hãnh diện với bà con trong bản. Và khi ấy, cũng là lúc bố mẹ Chai không còn đủ sức để cho Chai học tiếp lên THPT. Những tưởng, câu chuyện ham học của Sùng A Chai sẽ phải dừng lại.

Vậy nhưng, Chai lại vượt khó để học Trường THPT Mường Lát. Suốt ba năm THPT, một buổi đến trường, thời gian còn lại Sùng A Chai vào rừng sâu đi đào dúi bán lấy tiền mua gạo, mua bút, quần áo, sách vở.

“Mình xác định chỉ có học mới thay đổi được sự nghèo nên cứ sống chết mà bám víu lấy nó”, Chai nhớ lại. Tiếp bước thế hệ đàn anh, Sùng A Nụ cũng vào đại học và trở thành thầy giáo của bản. Ngày nào đến trường, Sùng A Nụ cũng mang theo bụng đói, nhưng A Nụ không sợ đói bụng bằng đói con chữ.

“Chứng kiến người dân bản quanh năm đói nghèo, thuốc phiện, tôi thấy mình cần phải vươn lên. Con đường duy nhất thoát khỏi đói nghèo chính là phải đi học”, thầy giáo Sùng A Nụ chia sẻ.

Cũng chính từ đây, cuộc sống của gia đình, vợ con Sùng A Nụ đã thực sự đổi thay, khấm khá. “Nhìn lại những năm tháng đã đi qua, tôi thấy mình may mắn vì đã không bỏ cuộc. Khó khăn rồi cũng sẽ qua, mong rằng sẽ có thêm nhiều hơn nữa những người Mông dám vượt khó học tập, thực hiện ước mơ”, Sùng A Nụ kỳ vọng.

Cùng thầy giáo Sùng A Chai, Sùng A Nụ, đến nay ở Tà Cóm đã có 4 người tốt nghiệp đại học. “Cuộc hành trình gieo chữ trên non của thầy giáo Sùng A Chai hay Sùng A Nụ đã, đang và sẽ là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò nơi vùng cao biên giới này”, Trưởng bản Tà Cóm Thào A Sự cho hay.

Dù cái đói, cái nghèo và muôn vàn cái khó bủa vây, lớp người đi trước như Trưởng bản Sự, thầy giáo Chai hay thế hệ tương lai như Sùng A Ư, Sùng A Long, Giàng A Dế… vẫn luôn hướng về phía Mặt trời, đón lấy ánh sáng thắp lên hy vọng cho người dân bản nghèo. Bởi họ tin, chỉ cần theo con chữ, xoá sạch dấu vết của ma tuý, thì cuộc sống dân bản sẽ ngày một tốt đẹp lên.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/con-chu-thap-len-hy-vong-cho-tre-tren-dinh-pu-hu-post686242.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/con-chu-thap-len-hy-vong-cho-tre-tren-dinh-pu-hu-post686242.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Con chữ thắp lên hy vọng cho trẻ trên đỉnh Pù Hu