Cơn sốt ChatGPT: Giảng viên, sinh viên, chuyên gia nói gì?

05/02/2023, 11:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Những ngày qua, phần mềm trí tuệ nhân tạo ChatGPT là chủ đề được quan tâm hàng đầu, tràn ngập trên các nền tảng mạng xã hội khắp thế giới và cả ở Việt Nam.

ChatGPT có thể “xóa sổ” được giáo viên, giảng viên hay không?

Mặc dù cũng đã có những phiên bản tiền đề nhưng chỉ đến phiên bản ChatGPT 3.5 công bố tháng 11/2022 thì nó mới trở nên nổi bật thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng trên toàn cầu nhờ việc có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức một cách nuột nà như một con người.

Trong những ngày gần đây, chúng ta thấy rất nhiều người đã đưa ra những câu hỏi hóc búa cho ứng dụng này và nhận được câu trả lời khiến họ bất ngờ về sự thông minh của ChatGPT. Việt Nam không nằm trong danh sách quốc gia được cung cấp dịch vụ nhưng ChatGPT vẫn hỗ trợ cả tiếng Việt.

Cuộc thăm dò sinh viên Stanford cho thấy có 17% người đã sử dụng ChatGPT để lấy ý tưởng và sao chép y hệt nộp bài.

Một vấn đề nữa đặt ra là, ChatGPT tạo nên thách thức cho giáo viên trong thời đại số vì có thể thay thế giáo viên trong tương lai?

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra câu trả lời vừa là có vừa là không.

Ông Nam tin rằng ChatGPT sẽ thay thế những giáo viên truyền thống, dạy theo tiếp cận nội dung. Lên lớp chủ yếu dành thời gian để kể về các sự kiện, cung cấp thông tin đơn thuần. Là những giáo viên vẫn tiến hành kiểm tra với các tiêu chí đánh giá dựa trên trí nhớ, liệt kê sự kiện, phân biệt đáp án đúng sai để tính điểm hơn là những tri thức được chuyển hóa vào cuộc sống thực tiễn.

Còn "Không" vì ChatGPT sẽ không thay thế được giáo viên hiện đại, những giáo viên dạy học theo cách tiếp cận dựa trên năng lực, dạy học bằng cách đưa ra những câu hỏi kích thích sự tư duy sáng tạo, coi trọng tư duy phản biện trong quá trình kiểm tra đánh giá hơn là trí nhớ.

Ông Nam cũng cho rằng, ChatGPT cũng hoàn toàn không thể tạo được cảm hứng học tập. Nó chỉ chỉ ra được các bước đi, các kết quả nhưng không thể hướng dẫn người học được cái quan trọng là những nhà khoa học đi trước đã tư duy như thế nào để giải quyết từng bước và đi đến kết quả cuối cùng.

Tìm được câu trả lời nhanh hơn so với Google/Internet nhưng cần kiểm chứng lại

Ông Lương Thanh Hoài, 1 nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin tại Singapore cho rằng, ChatGPT được tạo nên từ kho dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên, dữ liệu mà AI này sử dụng mới chỉ được cập nhật tới năm 2021 và khó để khẳng định thông tin là chính xác hay không chính xác.

ChatGPT có giá trị khi với lĩnh vực mình không chuyên sẽ giúp ích tìm được câu trả lời nhanh và gọn hơn so với google/internet.

Tuy nhiên, ông Hoài cũng khuyến cáo các học sinh, sinh viên trước khi dùng ChatGPT cần có sự kiểm chứng lại cũng như xác định rằng mục đích sử dụng của mình là gì, để từ đó không bị lệ thuộc vào AI này.

Rõ ràng, dùng ChatGPT làm bài luận thì rất khó phát hiện, vì bản chất bài luận không có đúng sai, miễn là có quan điểm và bảo vệ là được. Ngoài ra, việc sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo với mục đích gian lận sẽ khiến cho người học mất dần khả năng tư duy khoa học và phản biện.

ChatGPT khiến các trường đại học nổi tiếng trên thế giới thay đổi cách dạy

Với sự gia tăng mức độ phổ biến của ChatGPT, các trường cao đẳng, đại học Mỹ đang 'ráo riết' tái cấu trúc một số khóa học và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Khi chấm bài tiểu luận về tôn giáo thế giới, giáo sư triết học Antony Aumann tại Đại học Northern Michigan đã đặt nghi vấn với bài viết mà ông cho là "xuất sắc nhất lớp". Ông Aumann lập tức chất vấn và sinh viên thú nhận đã sử dụng ChatGPT- một chatbot thông minh tạo ý tưởng và viết bài từ những từ đơn giản.

Trên khắp nước Mỹ, ban giám hiệu các trường đang bắt đầu đại tu các lớp học để đối phó với ChatGPT. Một số hệ thống trường công lập ở thành phố New York và Seattle đã cấm công cụ này trên các thiết bị và mạng Wi-Fi của trường để ngăn gian lận.

Các trường cao đẳng và đại học Mỹ đã miễn cưỡng cấm AI. Nhà trường cũng không muốn xâm phạm quyền tự do học thuật của sinh viên.

ChatGPT cũng trở thành chương trình nghị sự hàng đầu tại nhiều trường. Hội đồng trường đang thành lập các nhóm đặc nhiệm và tổ chức các cuộc thảo luận để nhận ý kiến phản hồi, đề xuất giải pháp thích ứng với công nghệ.

Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/con-sot-chatgpt-giang-vien-sinh-vien-chuyen-gia-noi-gi-post1507363.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/con-sot-chatgpt-giang-vien-sinh-vien-chuyen-gia-noi-gi-post1507363.tpo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơn sốt ChatGPT: Giảng viên, sinh viên, chuyên gia nói gì?