Lý do bà mẹ đưa ra khiến ai nấy ngã ngửa.
Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024-2025 gần 135.000 học sinh tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023-2024.
Trong số các học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Còn lại các em phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng.
Giành được suất vào một trường công lập, đặc biệt là trường danh tiếng, chất lượng cao vì thế là mong muốn của hầu hết phụ huynh và học sinh.
Tuy nhiên, một bà mẹ ở Hà Nội mới đây gây tranh cãi khi có thắc mắc… "ngược đời": Liệu có nên cho con học dân lập dù con có tổng điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập được 47 điểm. Lý do là ngôi trường nơi chị dự định cho con theo học chính là nơi chị từng là học sinh. Chị muốn con trải nghiệm thanh xuân của mẹ.
Câu hỏi của bà mẹ khiến hội phụ huynh "dậy sóng".
Thanh xuân của mẹ có phải là mong muốn của con?
Câu hỏi của bà mẹ khiến hội phụ huynh "dậy sóng". Phản ứng này cũng khá dễ hiểu, bởi với phần lớn các phụ huynh hiện nay, việc để cho con mình học trường ngoài công lập không phải là lựa chọn ưu tiên mà là phương án bất đắc dĩ. Trong đó, học phí là một rào cản lớn.
Bên cạnh đó, lý do bà mẹ này đưa ra quá khiên cưỡng. Với 47 điểm, con của chị có thể đỗ vào rất nhiều trường công top đầu, nơi cả cơ sở vật chất, chất lượng dạy học đều thuộc dạng đáng mơ ước. Như vậy, con thích trường nào nên cho con học trường đó, thanh xuân của mẹ không có nghĩa là con cũng thích như thế. Con trải nghiệm thanh xuân của mẹ, vậy ai sẽ trải nghiệm thanh xuân của chính con. Thà nguyên nhân chị đưa ra là muốn cho con học trường giống mẹ vì môi trường tốt còn hợp lý.
Nhiều người còn "ném đá" chị này, cho rằng chị đang khoe điểm con trá hình. Từ hôm biết điểm thi vào 10, trên mạng rần rần các thông tin về điểm thi, về trường nào lấy điểm cao, về thủ khoa, danh sách các trường cấp dưới có học sinh đỗ trường "top" cấp trên… Rồi các bố mẹ thi đua nhau khoe thành tích xuất sắc của con mình, thầy cô cũng khoe kết quả thi của học trò, giáo viên các trường khoe trường mình lấy điểm cao hơn trường khác đầy tự hào.
Phụ huynh có con đỗ vui sướng muốn khoe là điều dễ hiểu, thầy cô cũng có quyền khoe để tự hào về học trò. Nhưng khoe cũng nên đúng nơi đúng chỗ, cách khoe cũng nên khéo léo tránh làm tổn thương người khác. Việc "flex" theo cách của bà mẹ này khiến nhiều người tổn thương.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, có thể bà mẹ này có ý cho con theo trường dân lập thật, nhưng cách diễn tả chưa khéo. Trường công hay trường dân lập đều có ưu và nhược điểm riêng. Ngôi trường nào cũng có những học sinh ưu tú và những người thầy người cô đáng kính. Các trường tư bây giờ đã phát triển hơn cả về số lượng và chất lượng, rất nhanh bắt kịp các xu hướng giáo dục thế giới.
Ví dụ, cơ sở vật chất trường công khác nhiều so với trường dân lập, ngược lại, chất lượng đào tạo có phần khắt khe hơn. Trong khi đó, nếu theo học tại trường dân lập, ngoài kiến thức trong sách, ở nhiều trường, các con được trải nghiệm và học hỏi nhiều kỹ năng cần thiết, nhằm áp dụng vào trong cuộc sống. Sĩ số lớp học nhiều trường tư cũng không lớn như trường công lập, thầy cô thân thiện, mỗi học sinh là một cá tính được trân trọng.
Nếu điều kiện gia đình hoàn toàn có khả năng chi trả học phí khi con theo học ở nhóm trường ngoài công lập thì đây cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc.