Còn vướng mắc trong biên soạn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương

31/10/2023, 17:27
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Việc biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo Luật Giáo dục năm 2019 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đề nghị, Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp đã bị cắt do điều chỉnh danh sách các xã thôn khó khăn, đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Riêng về lĩnh vực giáo dục, đại biểu đoàn Kon Tum nêu ý kiến, việc biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo Luật Giáo dục năm 2019 gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Do đó, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nội dung giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hướng dẫn việc in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hải Dương
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hải Dương

Đề cập một số khó khăn trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hải Dương nhìn nhận, chúng ta sử dụng đội ngũ giáo viên đang giảng dạy mấy chục năm chương trình giáo dục cũ để chuyển sang chương trình mới.

Đơn giản là đưa cho họ sách giáo khoa mới, cùng với vài ngày tập huấn thì toàn bộ tư duy của giáo viên chưa chuyển kịp giữa thực hiện chương trình cũ sang chương trình năm 2018.

Tư duy này rất quan trọng, nếu không bắt kịp, giáo viên sẽ cảm thấy khó khăn, phức tạp, rắc rối và vất vả… Trong quá trình chọn sách giáo khoa, giáo viên sẽ cảm thấy áp lực. Thậm chí, chúng ta chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy những môn học mới. Ví dụ như dạy tích hợp ở cấp THCS.

Nhấn mạnh, đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh và có năng lực, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhìn nhận, thay vì được cung cấp sẵn một bộ sách giáo khoa để dạy thì giáo viên phải tự chịu trách nhiệm để tìm hiểu và lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với nhiệm vụ dạy cho học sinh. Theo đó, giáo viên phải am hiểu về học sinh của mình, bởi không phải em nào cũng giống nhau.

Dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh không bị phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa. Từ đó, triệt tiêu được “dạy vẹt và học vẹt”. Tiếp đó là xây dựng được một thế hệ công dân mới, không suy nghĩ theo lối mòn, không hành động rập khuôn. Các em sẽ trưởng thành, sống có bản lĩnh, biết đưa ra ý kiến, chính kiến và linh hoạt trong mọi vấn đề của cuộc sống.

“Đây là ý nghĩa và mục đích của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa nhiều người thấm thía được tính ưu việt của chương trình này” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ và cho rằng, vì chưa thấm được tính ưu việt, cộng với việc chuẩn bị chưa kỹ về mặt cơ sở hạ tầng nên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa phát huy như mong muốn.

Bài liên quan
Khắc phục khó khăn dạy học Nội dung giáo dục địa phương
Tài liệu giảng dạy 1 số nơi ban hành chậm; tư liệu dạy học hạn chế; tập huấn GV chưa đồng bộ là khó khăn chính triển khai Nội dung giáo dục địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Còn vướng mắc trong biên soạn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương