Một hạn chế khác là khi xét tuyển sớm, dữ liệu về ưu tiên tuyển sinh có sai sót khá nhiều trong hậu kiểm. Đặc biệt, trong các phương thức xét tuyển sớm, xét điểm học bạ THPT đã và đang khiến nhiều người lo ngại, bởi tình trạng “làm đẹp” điểm.
Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh trung bình điểm thi các môn, trung bình điểm thi từng môn thi tốt nghiệp với điểm học bạ, kết quả cho thấy còn tồn tại độ vênh nhau khá lớn giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ tại nhiều trường, địa phương. Riêng môn Tiếng Anh, có năm nhiều địa phương điểm chênh tới 2 điểm. Thực tế này đã khiến dư luận khá căng thẳng về việc bảo đảm công bằng cho thí sinh. Câu hỏi bỏ hay không việc xét tuyển sớm từng được dư luận đặt ra.
Xét tuyển sớm mang đến nhiều mặt tích cực và đây cũng là xu hướng chung của không ít trường đại học trên thế giới, phù hợp với Luật Giáo dục đại học, nên tiếp tục duy trì ở những mùa tuyển sinh tới. Vấn đề quan trọng là cần quản lý, tổ chức xét tuyển sớm để bảo đảm công bằng, nhất là ở trường có tính cạnh tranh cao.
Thực tế trong các phương thức xét tuyển sớm, có phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển; có tổ hợp tuyển sinh không phù hợp, không cần thiết, phải mạnh dạn loại bỏ.
Cùng với việc thực hiện chế tài đủ mạnh để các trường tổ chức tuyển sinh rõ ràng, công khai, minh bạch, bảo đảm chất lượng, cần quyết liệt rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các địa phương; đẩy mạnh đổi mới kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông, để điểm học bạ thực sự đáng tin cậy, phản ánh đúng năng lực người học.