Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025; trong đó điểm mới đáng chú ý là xác định luôn thời gian thi tốt nghiệp THPT.
Điều này đáp ứng mong mỏi của các nhà trường, địa phương để chủ động hơn trong triển khai kế hoạch năm học.
GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết: Lâu nay, các địa phương thường phải chờ Bộ GD&ĐT chốt lịch thi tốt nghiệp THPT để từ đó có kế hoạch tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 cho phù hợp. Nhiều địa phương kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm công bố lịch thi tốt nghiệp THPT nhằm chủ động trong tổ chức tuyển sinh vào lớp 10. Bởi vậy, năm nay, thời gian này được công bố luôn trong Kế hoạch thời gian năm học.
Đồng thuận với Bộ GD&ĐT, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre Võ Văn Bé Hai cho rằng, đổi mới trong Kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 tạo thuận lợi cho nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh từ đầu năm học; Sở GD&ĐT thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh vào lớp 10. “Thời điểm kết thúc năm học cuối tháng 5, sau đó tổ chức tuyển sinh vào THPT trong tháng 6. Thời điểm thi tốt nghiệp dự kiến ngày 26, 27/6, là lúc địa phương đã hoàn tất tuyển sinh vào lớp 10 nên rất phù hợp”, ông Võ Văn Bé Hai nhận định.
Cùng quan điểm, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, năm học này địa phương được chủ động hơn trong chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT; thuận lợi tham mưu thực hiện kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10, khắc phục được hạn chế bị động về thời gian khi song song chuẩn bị 2 kỳ thi.
Các trường thì sớm có định hướng, sắp xếp thời gian dạy học, ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinhh phù hợp thực tế. Ngoài thống nhất cao với điểm mới này, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà đề xuất Bộ GD&ĐT sớm ban hành văn bản hướng dẫn các nội dung liên quan Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để địa phương có sự chuẩn bị tốt nhất.
Việc đưa thời gian tổ chức thi tốt nghiệp THPT vào Kế hoạch thời gian năm học thuận lợi cho các trường trong xây dựng kế hoạch năm học nói chung và cho khối 12 nói riêng. Khẳng định điều này, thầy Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Hiện, nhà trường làm công tác thống kê các tổ hợp môn của học sinh để có kế hoạch cụ thể cho từng môn, đối tượng.
Học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu có nhiều hướng đi để vào đại học, nên việc phân loại để có tiếp cận phù hợp rất quan trọng. Trước mắt, nhà trường cố gắng xây dựng kế hoạch để hoàn thành gọn gàng, đầy đủ chương trình lớp 12; các tổ chuyên môn nghiên cứu tài liệu hướng dẫn ôn tập để lên kế hoạch. Tinh thần chung là không quá lo lắng, nhưng cũng không chủ quan trước kỳ thi này.
Thầy Nguyễn Trung Thành - Hiệu trưởng Trường THPT Cát Bà, Cát Hải (Hải Phòng) nhận định: Dự kiến sớm lịch thi tốt nghiệp THPT, nhà trường thuận lợi và chủ động hơn nhiều trong xây dựng chương trình giáo dục, nhất là chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, năm đầu thực hiện phương án thi 2+2.
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, trường chủ động tập huấn giáo viên về dạng thức ra đề mới; yêu cầu ngay từ đầu năm học, tất cả thầy cô phải thuần thục cách làm đề, ra đề. Trường đồng thời định hướng công tác kiểm tra, đánh giá học sinh theo dạng đề mới từ sớm, để thầy cô, học sinh có thời gian làm quen, luyện tập, thực hành thi theo dạng đề mới.
“Năm 2025 là năm thách thức đối với thầy cô và học sinh khi có nhiều đổi mới trong cách làm đề thi, câu hỏi, ngữ liệu (môn Ngữ văn không sử dụng ngữ liệu SGK…). Nhà trường đang tập trung cao cho việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn ở các tổ nhóm; bàn kỹ và thực hành xây dựng ma trận, đặc tả, đề thi, nội dung ôn tập theo dạng thức mới của đề. Việc cho học sinh đăng ký môn thi được thực hiện từ đầu năm học, chia lại lớp theo môn đăng ký để tổ chức ôn tập đạt hiệu quả tốt nhất”, thầy Nguyễn Trung Thành cho hay.
Bày tỏ vui mừng khi Bộ GD&ĐT sớm thông tin về thời gian thi tốt nghiệp THPT, thầy Trần Quang Huy - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long) cho biết: Học sinh lớp 12 năm nay là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Do đó, nhà trường sẽ quan tâm việc cập nhật các thông tin về kỳ thi để tuyên truyền đến đội ngũ giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, đặc biệt là những điểm mới về đề thi, hình thức, thời gian, cách thức thi cử...
Cùng đó, điều chỉnh, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp. Cụ thể, tập trung vào kiến thức, kỹ năng trọng tâm, cốt lõi của chương trình; tăng cường các hoạt động tích cực, phát huy tư duy, giải quyết vấn đề; rèn luyện kỹ năng làm bài thi, trả lời câu hỏi cho học sinh qua các kỳ kiểm tra, thi thử.
“Nhà trường cho học sinh lựa chọn môn học; phân công giáo viên dạy lớp 12 và giáo viên ôn tập thi tốt nghiệp THPT theo từng tổ hợp ngay từ đầu năm học - đây là giải pháp mới. Kế hoạch ôn tập được xây dựng có hệ thống, phân bổ thời gian hợp lý; tổ chức các buổi ôn tập, giải đáp thắc mắc, trao đổi kinh nghiệm.
Nguồn tài liệu, đề thi theo cấu trúc mới, bài tập tình huống được chuẩn bị đầy đủ. Giáo viên sẽ quan tâm lưu ý học sinh thay đổi cách tiếp cận kiến thức, kỹ năng theo chương trình mới; đồng thời tăng cường cho các em thực hành dạng câu hỏi theo đề minh họa cấu trúc, định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ 2025.
Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, thông báo kịp thời các thay đổi, yêu cầu mới của kỳ thi tốt nghiệp; làm tốt tư vấn, hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch ôn tập, luyện tập; động viên, khuyến khích học sinh nỗ lực, tự tin trong quá trình chuẩn bị”, thầy Trần Quang Huy chia sẻ.
“Công bố lịch thi tốt nghiệp THPT trước khi bắt đầu năm học mới có 3 ý nghĩa lớn. Thứ nhất, khép kín kế hoạch năm học của THPT mà không phải chờ đến khi có hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Thứ hai, các địa phương chủ động kế hoạch năm học, nhất là kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT bảo đảm khung thời gian và không bị chồng chéo với thời gian thi tốt nghiệp THPT. Thứ ba, nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động hơn về kế hoạch dạy - học năm lớp 12 bảo đảm chất lượng”. - GS.TS Huỳnh Văn Chương