Giáo dục

Công nghệ sinh học: Gỡ rào cản từ nhận thức đến cơ chế

09/10/2024 20:03

Áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng. Trong đó, cản trở chính là nhận thức.

Công nghệ sinh học: Gỡ rào cản từ nhận thức đến cơ chế- Ảnh 1.
Cần đẩy mạnh thương mại hóa các công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học

Đây là chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI Cao Đức Phát tại diễn đàn "Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế" do Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức.

Công nghệ sinh học đã phát triển sang công nghệ vi sinh, công nghệ nano, công nghệ tế bào, công nghệ chỉnh sửa gen… giúp ngành nông nghiệp đạt được những đỉnh cao mới. Giới hạn áp dụng công nghệ sinh học cũng không còn bó buộc trong trồng trọt, mà mở ra sang chăn nuôi, thủy sản.

Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ số, công nghệ AI… cũng là một bước đệm giúp công nghệ sinh học có thể phát triển mạnh hơn. Do đó, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi cần phải có chiến lược đào tạo nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng xung lực từ công nghệ sinh học.

Niềm tự hào về công nghệ sinh học Việt Nam

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: "Việt Nam có thể tự hào là sản xuất được rất nhiều vacine phòng, ngừa bệnh trên đàn vật nuôi. Nguyên nhân là chúng ta làm chủ được khoa học công nghệ".

Theo ông Long, các nhóm bệnh trên vật nuôi chủ yếu chia 2 loại: chỉ xuất hiện trên đàn vật nuôi và có thể lây truyền sang người. Một số loại vaccine chủ lực được ông Long liệt kê, như vacine phòng chống cúm trên gia cầm, vacine Dịch tả lợn châu Phi, các sản phẩm chống kháng thuốc…

Đặc thù của ngành thú y là liên tục tiếp xúc với các mầm bệnh mới, các sản phẩm công nghệ sinh học mới từ quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam nằm trong nhóm thị trường lớn về tiêu thụ động vật. Chính bởi vậy, hệ thống thú y cần có công nghệ cao, đủ sức chẩn đoán sớm, phòng ngừa từ xa với dịch bệnh, nhất là các bệnh mới nổi.

Về lĩnh vực trồng trọt, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp thông tin, diện tích ngô, bông, đậu tương biến đổi gen tại Việt Nam tăng rất nhanh. Từ 2015 đến nay, Việt Nam trồng hơn 1,3 triệu ha cây trồng biến đổi gen. "Lợi nhuận của người nông dân khi sử dụng giống biến đổi gen là rất lớn", ông Hàm đánh giá, người nông dân có thể tăng lợi nhuận trên 1 đơn vị diện tích ít nhất từ 1,5-2 lần so với cây trồng thông thường.

Tổ chức Quốc tế về Tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết có 29 nước thương mại hóa toàn cầu các sản phẩm GMO.

Tại Việt Nam song song với việc ứng dụng các giống chỉnh sửa gen, chúng ta đã triển khai đồng bộ các khung pháp lý. Đây là yếu tố quan trọng khi thế giới đã tiến rất xa về chỉnh sửa gen.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết Việt Nam là quốc gia nhiệt đới nên luôn chịu áp lực rất lớn về dịch hại. Trong đó, một số bệnh như khảm lá sắn, sâu keo mùa thu, sâu róm thông, lùn sọc đen… đã gây nhiều thiệt hại cho nền nông nghiệp nước ta.

"Sâu keo mùa thu thời gian qua từng là một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, nhưng khi sử dụng một loại giống ngô biến đổi gen (GMO) thì gần như thách thức được giải quyết", ông Dương nói.

Trong quá khứ, giá giống của các loại GMO tương đối cao, tuy nhiên khi bước đầu có hành lang pháp lý cho các giống GMO tại Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa nhiều giống mới ra thị trường, người dân đã dễ dàng tiếp cận hơn với các giống mới, vừa tăng năng suất, vừa kháng bệnh, giúp giảm lượng thuốc BVTV sử dụng.

Ông Dương cho biết, công nghệ sinh học ngày càng trở nên quan trọng, bởi việc chỉnh sửa gen giờ không chỉ có kháng bệnh, mà còn tăng chất lượng như tăng hàm lượng tinh bột, tăng độ sinh khối… Tại Viện BVTV, các nhà nghiên cứu đang tìm cách nghiên cứu ra vacine cho thực vật, tiến tới hoàn thiện giống sau chỉnh sửa.

"Nghiên cứu chỉnh sửa gen không chỉ dừng ở tính kháng bệnh, bởi giống đang dần trở thành một giải pháp mang tính toàn diện. Đặc biệt, sản phẩm của Việt Nam vẫn dừng ở ngưỡng chỉnh sửa gen, không phải giống biến đổi gen (GMO)", ông Dương nhấn mạnh.

Cần những chính sách 'sát sườn' với phát triển công nghệ sinh học

Dưới góc độ là cơ quan quản lý theo dõi và xử lý dịch bệnh trên vật nuôi, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết những biến chủng mới của dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. "Hiện có những dịch bệnh lây từ vật nuôi sang con người, không loại trừ sẽ có những dịch bệnh lây cả từ cây trồng sang vật nuôi và có thể liên quan đến con người. Vì vậy chúng ta cần có sự phối hợp nghiên cứu để đưa ra những công nghệ nền tảng, giải quyết được những thách thức tương lai", ông Long nhấn mạnh

Tuy nhiên là người đứng đầu lĩnh vực thú y, ông Long cũng chia sẻ nhiều vấn đề liên quan tới cơ chế, chính sách để phát triển công nghệ sinh học.

Lãnh đạo Cục Thú y đề xuất, cần có một mô hình cởi mở giữa cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp để sớm đưa các nghiên cứu ra đồng ruộng, thay vì "cất vào ngăn kéo".

Ông Long cho rằng không thể thiếu hợp tác quốc tế. Vì vậy, những kỹ thuật tiên tiến về công nghệ sinh học luôn được hệ thống thú y quan tâm, nghiên cứu để đưa vào sử dụng một cách sớm nhất.

Dưới góc độ khoa học, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết khi bước sang công nghệ chỉnh sửa gen Việt Nam có vẻ như bị tụt lại so với trước đây - giai đoạn chuyển gen kiểu cổ điển bằng cách sao chép gen nguồn vào gen mục tiêu.

Theo GS.TS Lê Huy Hàm, việc nâng cao công nghệ chỉnh sửa gen hết sức cần thiết, nhằm giúp sản phẩm Việt Nam tránh khỏi những ràng buộc không đáng có đối với sản phẩm GMO.

Bà Sonny Tababa, Giám đốc Công nghệ sinh học CropLife châu Á đánh giá, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, giúp người dân nâng cao sinh kế, đảm bảo thu nhập, nhất là tại các vùng chưa đảm bảo về nước tưới, vùng sâu, vùng xa.

Trải qua quá trình 10 năm phát triển công nghệ sinh học, Việt Nam đang trong giai đoạn rực rỡ nhất, theo bà Sonny. Nguyên nhân bởi đây là quãng thời gian đủ dài để các bên liên quan có những quan sát, nghiên cứu cặn kẽ về các thành tựu đã đạt được.

"Công nghệ chỉnh sửa gen đã khẳng định được vai trò, tầm quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam", bà Sonny nhìn nhận và khuyến cáo Việt Nam nên có đánh giá tổng thể về hành lang pháp lý, cũng như các giống mới xuất hiện (cả về nông sản lẫn dịch hại) để có một cách tiếp cận mới, phù hợp với yêu cầu hiện tại.

Theo đại diện của CropLife, cơ quan quản lý nên là đầu mối tiên phong, có vai trò "mở đường" cho công nghệ sinh học, giúp người nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với công nghệ mới. Bên cạnh việc tự nghiên cứu về biến đổi gen, bà Sonny đề nghị Việt Nam tham khảo công nghệ, chính sách của các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Philippines…

"Khi nhìn vào khung pháp lý của các quốc gia lân cận, CropLife thấy có sự tương đồng với Việt Nam. Tôi tin, các bạn sẽ thu được những kinh nghiệm quý báu khi phát triển các công nghệ sinh học trong tương lai", bà nhấn mạnh.

Ông Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đề xuất Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan khi giao nhiệm vụ, đặt hàng công trình nghiên cứu khoa học nên thực hiện theo chuỗi. Nghĩa là, đặt hàng nhiều đơn vị, cùng phối hợp giải quyết 1 vấn đề, sao cho đầu ra của đơn vị này là đầu vào của đơn vị kế tiếp.

Ngoài ra, công nghệ lõi trong công nghệ sinh học sẽ giúp giải quyết những thách thức phi truyền thống, đồng thời tham gia tích cực hơn vào nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Do đó, cần có những nhiệm vụ chuyên sâu, chuyên biệt về công nghệ lõi.

Hợp tác quốc tế cũng là vấn đề cần lưu tâm, nhất là với đòi hỏi tăng cường chuyển giao, làm chủ công nghệ, theo ông Tiến. Đây là cách "đi tắt đón đầu", giúp các nhà nghiên cứu xâu chuỗi lại các nhóm nhiệm vụ lõi của ngành, tạo ra cái nhìn tổng thể, giải quyết vấn đề một cách căn cơ, có chiều sâu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNTcho biết, cần đẩy mạnh thương mại hóa các công trình nghiên cứu về công nghệ sinh học.

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT đang biên soạn dự thảo về đề án này. Phó Vụ trưởng Nguyễn Hữu Ninh mong muốn các đơn vị, nhất là khối nghiên cứu, quan tâm, cho ý kiến nhiều hơn để công nghệ sinh học thực sự là yếu tố dẫn dắt cho ngành nông nghiệp.

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/cong-nghe-sinh-hoc-go-rao-can-tu-nhan-thuc-den-co-che-102241009194823304.htm
Copy Link
https://baochinhphu.vn/cong-nghe-sinh-hoc-go-rao-can-tu-nhan-thuc-den-co-che-102241009194823304.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công nghệ sinh học: Gỡ rào cản từ nhận thức đến cơ chế