Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học cho thấy: nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Điều này cho thấy, sự không công bằng giữa 2 nhóm đối tượng thí sinh trên, và các trường, đặc biệt là các trường tốp đầu với các ngành hàng đầu, cũng không lựa chọn được các thí sinh có thực lực tốt để đào tạo.
Nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu. Thống kê cũng cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỉ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.
Để khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống, và có lộ trình áp dụng (từ năm 2023), Quy chế đã quy định: mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).
Cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Điểm ưu tiên tính theo quy chế sẽ được giảm tỷ lệ với tổng điểm đạt được của thí sinh tại các mức điểm, được làm tròn đến 0,01 điểm.
Theo cách tính này, những thí sinh đạt điểm thi, điểm xét học bạ hoặc điểm khác quy đổi về thang điểm 10 cho từng môn với tổng điểm là 30, thì với các em đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Đối với các em đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.
Như vậy, với công thức xác định trong Quy chế, việc tính toán ra mức điểm ưu tiên rất dễ dàng và rõ ràng. Đối với em đạt điểm càng cao điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.
Để đảm bảo việc tuyển sinh được diễn ra ổn định, Quy chế tuyển sinh hiện hành cũng đã đưa ra lộ trình để áp dụng, cụ thể các thay đổi trên sẽ được thực hiện từ năm 2023.
Số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Áp dụng chính sách ưu tiên là nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế.
Chế độ cộng điểm ưu tiên cũng tương tự như các chế độ chính sách hỗ trợ khác, không thể chỉ cào bằng theo điều kiện từng khu vực, mà còn phải căn cứ mức độ khó khăn cần hỗ trợ của từng đối tượng.
Trong cùng một khu vực, một gia đình ít khó khăn hơn một gia đình khác tất nhiên sẽ được hỗ trợ ít hơn, thậm chí không cần hỗ trợ; chứ không thể nói gia đình ít khó khăn hơn lại thiệt thòi hơn. Một học sinh ở khu vực 1 hay 2 chắc hẳn sẽ tự hào hơn cả nếu trúng tuyển vào một trường đại học tốp đầu mà không cần điểm cộng ưu tiên.