Văn hóa

Cổng Trời 200 tuổi trên đỉnh Đèo Ngang

09/09/2024 08:19

Hoành Sơn Quan nằm trên đỉnh Đèo Ngang, thuộc ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, người dân địa phương thường gọi di tích trên là 'Cổng Trời'.

Cổng Trời 200 tuổi

Cách trung tâm thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) khoảng 40km về phía Nam, Đèo Ngang nằm trên Quốc lộ 1A, dài khoảng 6 km, vắt mình qua dãy núi Hoành Sơn. Cổng Trời Hoành Sơn Quan đứng sừng sững nơi cao nhất của đỉnh núi với một hệ thống tường thành bao quanh cánh cổng đá.

Từ xa xưa, Hoành Sơn vốn là biên giới tự nhiên giữa Đại Việt và Champa. Hiện trên dãy Hoành Sơn còn phế tích Lũy Lâm Ấp của Champa có từ thế kỷ IV. Từ năm 992, đường đèo qua dãy núi Hoành Sơn chính thức được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Phụ quốc Ngô Tử An - một trong những công thần thời Tiền Lê.

Thế kỷ XVI, theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng đã qua Hoành Sơn đến Thuận Hóa và làm nên nghiệp lớn của Nhà Nguyễn.

Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài - Đàng Trong, lấy sông Gianh thuộc Quảng Bình là ranh giới phân chia Nam - Bắc, nhưng chốt án ngữ quan trọng của quân Trịnh ở bờ Bắc là Đèo Ngang. Chúa Nguyễn Hoàng là người đầu tiên đặt tên Quảng Bình, năm Hoằng Định thứ 5 (1640).

Đến thời Vua Gia Long, đã lấy dãy Hoành Sơn làm ranh giới, nửa phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nửa phía Nam thuộc tỉnh Quảng Bình.

Năm 1833, Vua Minh Mạng cho xây dựng công trình Hoành Sơn Quan nhằm kiểm soát phương tiện và người dân qua lại. Thời bấy giờ, việc gìn giữ an ninh bờ cõi, đề phòng đạo tặc rất được chú trọng nên Vua Minh Mạng chọn đỉnh Đèo Ngang thành điểm tử huyệt của con đường độc đạo.

Sử sách ghi lại, Vua Minh Mạng sai tướng Trần Văn Tuân cùng hơn 300 lính thợ không quản ngày đêm, địa hình hiểm trở làm nhiệm vụ xây ải. Đèo Ngang được quan quân khai phá, đắp đá thành đường nối liền 2 bên chân núi Hoành Sơn.

Đường đi qua cổng Hoành Sơn Quan được binh lính nhà Nguyễn xẻ núi, đào đắp thành các bậc đá, phía Bắc từ Hà Tĩnh vào có 980 bậc, phía Nam từ Quảng Bình ra có 900 bậc.

Phần cửa ải có chiều cao hơn 4m được xây dựng bằng đá, hai bên là thành chạy dài hơn 70 thước, tức là tầm 30m. Trên cổng vòm cổng hướng ra phía Hà Tĩnh có tấm biển màu trắng khắc 3 chữ Hoành Sơn Quan bằng chữ Hán. Thời gian hoàn thành khoảng 1 tháng, sau đó 20 lính Quảng Bình thay phiên nhau canh giữ.

Hoành Sơn Quan gắn liền với đường thiên lý Bắc Nam, Lũy Hoàn Vương… Đặc biệt là với triều Nguyễn – Vua Minh Mạng đã cho xây dựng cổng Hoành Sơn có dáng dấp của những cổng lớn ở kinh thành Huế. Hoành Sơn Quan xây dựng cách đây hơn 180 năm, nhưng vẫn trường tồn với thời gian.

Thời nhà Nguyễn, hình tượng Hoành Sơn Quan còn được khắc vào Huyền đỉnh (một trong Cửu đỉnh) như một minh chứng cho tầm quan trọng về vị trí chiến lược cũng như văn hóa lịch sử của Cổng Trời.

Trải qua gần 2 thế kỷ, công trình đã trở thành nhân chứng đi qua nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Hoành Sơn Quan chính là căn cứ địa quan trọng. Hoành Sơn nằm ở vị trí thuận lợi với cây cối xanh mượt phủ kín, vắt ngang từ Tây sang Đông ra tới tận biển khơi rộng lớn. Nhờ vậy mà quân và dân ta dễ dàng lập chiến lược và đánh lại quân xâm lược, góp phần lớn vào chiến thắng vẻ vang, bảo vệ dân tộc ta.

Hoành Sơn Quan còn trở thành chất liệu, cảm hứng cho nhiều thi nhân có dịp ghé thăm. Trong đó có bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan với 2 câu thơ cảm tác trữ tình: “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta”.

Ngày nay, đứng trên Hoành Sơn Quan, hướng tầm mắt về phía Bắc du khách có thể thưởng ngoạn không gian làng mạc trù phú của vùng đất Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Nhìn về hướng Nam là địa phận xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) với non xanh nước biếc, thấp thoáng Hòn La giữa biển khơi.

Trước đây, trên con đường thiên lý xuôi ngược từ Bắc vào Nam muốn vượt Đèo Ngang từ Hà Tĩnh sang Quảng Bình và ngược lại bắt buộc các phương tiện, người dân phải men theo tuyến Quốc lộ 1A với nhiều khúc cua ngoằn ngoèo.

cong troi tren dinh deo ngang (6).JPG
Kiến trúc Hoành Sơn Quan có cửa cao 4m, hai bên thành dài. Ảnh: Phượng Vũ.
cong troi tren dinh deo ngang (4).JPG
Hoành Sơn Quan là một kỳ quan đẹp, mang dấu ấn lịch sử, là nơi để du khách tới du ngoạn mỗi khi đi qua Đèo Ngang. Ảnh: Phượng Vũ.

Dùng dằng giữa 2 tỉnh

Hoành Sơn Quan được đánh giá là công trình có vị trí và giá trị đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện nhưng di tích này vẫn chưa được quan tâm xứng tầm với vai trò vốn có. Hiện Hoành Sơn Quan chưa được công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

Sau gần 200 năm, công trình bị cây cối mọc um tùm, nhiều hạng mục có nguy cơ trở thành phế tích. Trước đây, từ đường lớn lên di tích có những bậc thang nhỏ bằng đá, quanh co, di chuyển khó khăn, theo thời gian đã xuống cấp ở phía Nam chỉ còn là dấu tích, phía Bắc chỉ còn sót lại vài trăm bậc đá phủ đầy rêu.

Cổng Trời được xây bằng gạch đá trát vữa, đến nay còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên mặt sau Hoành Sơn Quan lại nham nhở những hình vẽ, chữ viết, chữ ký của khách bộ hành vô ý thức, khiến công trình càng thêm nhếch nhác. Phần trên tấm biển khắc chữ Hán “Hoành Sơn Quan” đã bị nứt vỡ do tác động ngoại lực.

cong troi tren dinh deo ngang (8).JPG
Hoành Sơn Quan được Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa thuộc ranh giới của địa phương từ hàng chục năm trước. Ảnh: Phượng Vũ.
cong troi tren dinh deo ngang (2).JPG
Tấm biển Hoành Sơn Quan khắc bằng chữ Hán (hình chữ nhật, màu trắng) đặt trên cổng vòm đá hướng ra phía Bắc. Ảnh: Phượng Vũ.

Một trong những nguyên nhân khiến Hoành Sơn Quan có nguy cơ trở thành phế tích là do chưa rõ ràng trong phân định địa giới hành chính và trách nhiệm quản lý.

Theo đó, Hoành Sơn Quan được cả Quảng Bình và Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa phương mình vào năm 2002 và 2005. Hai tỉnh này cũng đều đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hoành Sơn Quan là di tích quốc gia nhưng không được chấp nhận.

Nhiều năm qua, cơ quan chức năng 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã tổ chức các cuộc họp liên quan đến Hoành Sơn Quan. Hà Tĩnh thì cho rằng, xét theo địa giới thì khu vực di tích này thuộc về Hà Tĩnh.

Nhưng, Quảng Bình không nhất trí, bởi trong sử sách và văn hóa bao năm qua đều công nhận công trình này của Quảng Bình. Phía Hà Tĩnh đưa ra bản đồ ranh giới mới để khẳng định “Cổng Trời” thuộc về tỉnh mình nhưng phía Quảng Bình không đồng ý.

Từ đó đến nay, Hoành Sơn Quan vô tình bị chia làm 2, phía Bắc thì Hà Tĩnh quản lý, còn phía Nam thuộc Quảng Bình. Thế nên, việc bảo vệ di tích này đã gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, người dân tự ý lập am miếu nhưng đã bị cơ quan chức năng Quảng Bình kịp thời phát hiện và dỡ bỏ. Tuy nhiên, miếu này lại nằm về mái núi bên Hà Tĩnh, người dân vẫn tụ tập khấn vái mà tỉnh Quảng Bình lại không đủ thẩm quyền xử lý.

cong troi tren dinh deo ngang (7).JPG
Đứng trên đỉnh 'cổng trời' phóng tầm mắt ra xa là toàn bộ vùng đất xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) đang trên đà phát triển. Ảnh: Phượng Vũ.

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, thời gian qua, chính quyền thị xã Kỳ Anh được giao quản lý di tích này. Từ năm 2012 đến nay, Hà Tĩnh ít nhất 2 lần tu sửa các bậc cầu thang lên Hoành Sơn Quan và cắm biển chỉ dẫn. Trong năm 2022, UBND xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) đã tiến hành tu bổ, nâng cấp các bậc cầu thang này với kinh phí khoảng 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Trí Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh (nguyên Trưởng phòng Quản lý di sản - Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh; nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh) cho rằng, xét về lịch sử, công trình này được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, không phải do Hà Tĩnh hay Quảng Bình xây nên không thuộc tỉnh nào.

Theo sử sách, đây là cửa ải quan trọng để kiểm soát đường đi vào kinh thành Huế từ phía Bắc. Tương tự, việc kiểm soát từ phía Nam có Hải Vân Quan, được cho xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc ranh giới Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Xét về mặt địa lý, Hoành Sơn Quan hiện nay nằm trên địa phận, địa giới quản lý hành chính của tỉnh Hà Tĩnh, thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh. Song, việc quản lý, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích chưa được hiệu quả.

Ông Sơn cũng đồng tình việc Hà Tĩnh đứng ra quản lý, xếp hạng di tích vì vị trí công trình nằm trên địa phận địa phương này.

“Hoành Sơn Quan là di tích xứng đáng được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vì tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử văn hóa, kiến trúc vốn có của nó”, ông Sơn khẳng định.

Khi hầm đường bộ Đèo Ngang đưa vào khai thác sử dụng việc đi lại của người dân cũng thuận tiện hơn, cung đường xưa cũng dần thưa người qua lại. Tuy nhiên, Hoành Sơn Quan vẫn là địa danh thu hút những ai yêu thích khám phá, du lịch vừa muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà.

Gần địa danh này còn có một số công trình, điểm đến khác thuận tiện để khách tham quan, trải nghiệm như Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, làng chài Cảnh Dương, Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến - nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổng Trời 200 tuổi trên đỉnh Đèo Ngang