Chuyên gia pháp lý cho biết thêm, đối với trường hợp nhà ở bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn đảm bảo an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thì sẽ được thực hiện theo điều 93, 96 và 97 Luật Nhà ở quy định về trách nhiệm phá dỡ nhà ở, chỗ ở của chủ sở hữu khi nhà ở bị phá dỡ và phá dỡ nhà ở đang cho thuê.
Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang quản lý, sử dụng nhà ở có trách nhiệm phá dỡ nhà ở; trường hợp phải giải tỏa nhà ở để xây dựng lại nhà ở mới hoặc công trình khác thì chủ đầu tư công trình có trách nhiệm phá dỡ nhà ở. Chủ sở hữu nhà ở tự thực hiện việc phá dỡ nhà ở nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực về xây dựng phá dỡ. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc phá dỡ nhà ở trên địa bàn. Chủ sở hữu nhà ở phải tự lo chỗ ở khi nhà ở bị phá dỡ.
Bên cho thuê nhà ở phải thông báo việc phá dỡ bằng văn bản cho bên thuê biết ít nhất là 90 ngày trước khi thực hiện phá dỡ, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc phá dỡ theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà ở mà thời hạn thuê vẫn còn, thì bên cho thuê có trách nhiệm bố trí cho bên thuê chỗ ở khác trong thời gian phá dỡ và xây dựng lại nhà ở, trừ trường hợp bên thuê thỏa thuận tự lo chỗ ở.
Sau khi xây dựng xong nhà ở, bên thuê được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp bên thuê không có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó; trường hợp bên thuê tự lo chỗ ở thì không phải trả tiền thuê nhà ở trong thời gian phá dỡ và xây dựng lại, thời gian phá dỡ và xây dựng lại không tính vào thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở.
Liên quan đến sự việc trên, UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 22, ngách 236/17 đường Khương Đình (phường Hạ Đình) thuê đơn vị tư vấn đủ điều kiện, năng lực theo quy định tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm của công trình theo đúng quy định.
Quận Thanh Xuân cũng yêu cầu chủ chung cư mini này thuê đơn vị thi công đủ năng lực, điều kiện để tổ chức thực hiện sửa chữa, gia cố công trình theo quy định, đảm bảo an toàn sử dụng; khi tiến hành sửa chữa, gia cố công trình phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và công trình.
Sau khi sửa chữa gia cố phải được đơn vị kiểm định và các cơ quan liên quan đánh giá đảm bảo an toàn theo quy định mới tiếp tục đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời UBND Quận cũng giao nhiệm vụ cho UBND phường Hạ Đình giám sát việc thực hiện.
Trước đó, từ sáng 24/2, khoảng 60 hộ dân sống trong chung cư mini số 22 ngách 236/17 đường Khương Đình được các cơ quan chức năng của Hà Nội yêu cầu phải di dời ra khỏi tòa nhà để đảm bảo an toàn.
Nguyên nhân là do một số cột bê tông, cốt thép ở tầng 1 của tòa chung cư này bị nứt toác từ nhiều ngày nay.
Cụ thể, tại khu vực tầng 1 của tòa nhà - nơi để xe, có hai cột bê tông, cốt thép bị nứt thành những khe lớn ngang, dọc lan khắp từ chân cột lên đến trần nhà.
Trước hiện tượng trên, lực lượng chức năng đã phải gia cố thêm hệ thống giàn giáo bằng sắt chống đỡ xung quanh chân các cột nhà bị xuống cấp. Khu vực gia cố các cột bê tông bị nứt toác cũng được căng dây cảnh báo khu vực nguy hiểm, cấm vào để đảm bảo an toàn cho các hộ dân.