“Tôi cho rằng, tự bồi dưỡng có vai trò quan trọng. Nếu không tự bồi dưỡng và nâng cao trình độ mỗi ngày thì bản thân sẽ dần tụt hậu. Bởi thế, tôi thường xuyên tự nghiên cứu tài liệu, tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc.
Phát triển thành thạo kỹ năng, kiến thức sẽ mang lại cho giáo viên sự hài lòng, tự tin. Có như vậy mới nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh”, cô Bùi Thị Thu Hương chia sẻ.
Là giáo viên đứng lớp, cô Bùi Thị Thu Hương (Trường THCS Quài Cang, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo) nhận thức rõ vai trò của việc tự bồi dưỡng để theo kịp yêu cầu đổi mới. Vì thế, cô không ngừng tu dưỡng, học tập nâng cao trình độ cho bản thân.
Theo ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo, hằng năm, ngành tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề cấp huyện. Phòng cũng chỉ đạo các trường, cụm trường xây dựng kế hoạch, tổ chức hội thảo, chuyên đề để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tham gia, trao đổi, thảo luận. Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình giáo dục các cấp học.
Mỗi năm, phòng GD&ĐT huyện tổ chức 6 hội thảo (mỗi cấp 2 hội thảo). Riêng chuyên đề cấp huyện được tổ chức 7 lần/năm với mầm non; 10 lần/năm với cấp tiểu học và 3 lần/năm với cấp THCS. Chuyên đề cụm cũng được tổ chức 24 lần/năm với cấp mầm non; 10 lần/năm với tiểu học; 18 lần/năm với THCS. Ngành cũng thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn do Bộ và sở GD&ĐT tổ chức.
“Qua công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ ngày càng nâng lên. Đến nay, huyện Tuần Giáo có hơn 1.400 lượt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; trên 3 nghìn đề tài, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả tại các đơn vị. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn, chất lượng thi vào lớp 10, tham gia các cuộc thi, hội thi của học sinh luôn đứng tốp đầu trong tỉnh”, ông Đỗ Văn Sơn thông tin.
Ở quy mô cấp tỉnh, 10 năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nâng chuẩn, đạt chuẩn theo hướng nâng chuẩn trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên các cấp được ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm.
Sở GD&ĐT Điện Biên đã chủ động tham mưu, chỉ đạo thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 1 (2020 - 2025). Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo của các cấp về thực hiện lộ trình nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Đưa mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo thực hiện.
Sở cũng xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên các năm theo đúng quy định.
Tính đến 31/3/2023, tỉnh Điện Biên có xấp xỉ 97% giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn so với năm 2020 (tăng 8,3%); giáo viên tiểu học là hơn 80% (tăng 15,1%); giáo viên THCS là 93,6% (tăng 11,3%); giáo viên THPT là 99,8% (tăng 0,1%).