Tương tự ông Tỵ, bà Nguyễn Thị Kim Em (80 tuổi, ngụ phường Tân Sơn Nhì) cũng bức xúc khi được cán bộ phường yêu cầu về lại địa phương cũ để trích lục khai tử cho người chồng quá cố mất từ năm 1967 để bổ sung hồ sơ lập di chúc cho người em gái thừa kế căn nhà. Bà Nguyễn Thị Kim Em cho biết bà đã rơi nước mắt khi bị cán bộ phường “vô cảm” gây “khó dễ”. Bởi ngay cả tên xã nơi bà từng trú ngụ ngày xưa là gì bà còn không nhớ thì xin giấy xác nhận chồng đã mất bằng cách nào.
Bà Nguyễn Thị Kim Em cho rằng, chính một số cán bộ nhà nước chưa thực sự làm tốt trách nhiệm khiến việc thực hiện các chính sách, quy định liên quan đến người dân chậm.
Bà Nguyễn Thị Kim Em nêu dẫn chứng: “Bây giờ có nhiều công ty như công ty bán hàng đa cấp rồi công ty dạy người ta làm giàu công ty bảo hiểm nhân thọ,... Tất cả việc quản lý những doanh nghiệp này đều có quy định trong pháp luật của chúng ta. Nhưng người thực thi không theo dõi đến nơi đến chốn, để cho nhân dân vướng vào những sự việc đau lòng".
Tại buổi tiếp xúc, Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 5 cũng đã lắng nghe, ghi nhận các kiến nghị của các cử tri như: tình trạng lấn chiếm lòng lề đường; tiếp tục hỗ trợ mua sách giáo khoa cho năm học mới; kênh 19/5 trên địa bàn quận ô nhiễm nặng; dự án xây cầu Tân Kỳ Tân Quý "đắp chiếu" quá lâu, gây lãng phí của công và tài sản nhân dân; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật phòng chống tham nhũng,…
Liên quan đến các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, ông Phạm Minh Mẫn - Chủ tịch UBND quận Tân Phú đã chỉ đạo các phòng ban có liên quan tiếp thu, chấn chỉnh rà soát và phối hợp thực hiện./.