Các sở GD&ĐT phối kết hợp với các trường đại học Sư phạm tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên; trong đó chú trọng bồi dưỡng, cấp chứng chỉ dạy học các môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí, bước đầu đáp ứng nhu cầu giảng dạy Chương trình GDPT 2018.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến. |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị ngành Giáo dục các thành phố cần tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất: Thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, cần nâng cao chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá tích cực theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ của giáo viên trong thực hiện Chương trình.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp. Tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non và tiểu học còn thiếu. Chú trọng triển khai bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên mầm non, phổ thông theo Chương trình GDPT 2018.
Thứ ba: Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các cơ sở GD-ĐT. Trong đó quan tâm đầu tư xây dựng trường, lớp học ở các khu đô đông dân cư; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra - đánh giá và công tác quản lý giáo dục.
Thứ tư: Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh; đẩy mạnh giáo dục lý tưởng đạo đức cách mạng, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh; xây dựng văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường xây dựng trường học an toàn hạnh phúc.
Thứ năm: Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; chủ động phòng chống và ứng phó có hiệu quả với thiên tai bệnh dịch. Tổ chức hiệu quả chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025”, Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đẩy mạnh các hoạt động thể thao của học sinh sinh viên gắn với nội dung môn học giáo dục thể chất thuộc Chương trình GDPT 2018.
Thứ sáu: Tổ chức nghiên cứu, tập huấn các văn bản mới về công tác thi đua, khen thưởng có hiệu lực trong năm 2024 gồm: Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 29/2023/TT-BGDĐT ngày 29/12/2023 của Bộ GD&ĐT quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành Giáo dục...
Thứ bảy: Tiếp tục triển khai thiết thực có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tổ chức triển khai phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Cùng với đó, thực hiện tốt các chính sách về thi đua khen thưởng thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng tôn vinh các mô hình hay, những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành.
Hội nghị đã thông qua dự thảo kế hoạch hoạt động và quy chế hoạt động Cụm thi đua số 1 năm học 2023-2024; thông qua tổng hợp đăng ký các mô hình mới trong phong trào thi đua của các đơn vị và đăng ký chỉ tiêu phấn đấu thi đua, hình thức khen thưởng của Bộ GD&ĐT năm học 2023-2024. Giao ước thi đua năm học 2023-2024 của Cụm thi đua số 1 cũng được thông qua tại Hội nghị.