Giáo dục

Cùng con học kỹ năng

25/05/2024 08:07

Cà Mau là tỉnh vùng sâu, xa có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.

Trên địa bàn tỉnh, một số địa phương đã thực hiện 3 cấp độ bảo vệ trẻ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp) song chưa đầy đủ. Do việc đầu tư các thiết chế văn hóa - thể thao còn thiếu nên hàng năm vẫn còn nhiều trẻ em tử vong do đuối nước, nhất là vào mùa Hè.

Hơn 60% trẻ em chưa biết bơi

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Cà Mau có 210 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước tại gia đình chiếm hơn 70%, tại cộng đồng (nơi công cộng) gần 30%, đa số thường ở vùng nông thôn, xung quanh môi trường sống của trẻ.

“Bên cạnh đặc điểm địa hình có nhiều kênh, rạch, sông và ven biển... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn, tình trạng trẻ bị đuối nước ở Cà Mau còn do các nguyên nhân chủ quan như: Cha mẹ đi làm ăn xa, trẻ ở cùng ông bà, người thân lớn tuổi, thiếu sự giám sát, trông coi.

Trong lúc đó, các em trong độ tuổi tò mò, hiếu động, chưa được trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước, chưa nhận biết hết các nguy cơ, dễ dẫn đến bị tai nạn. Đặc biệt, tỉnh còn thiếu hụt bể bơi nên công tác dạy bơi cho trẻ thiếu đồng bộ, chưa được duy trì thường xuyên”, bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cho biết.

Theo thống kê đến cuối năm 2023, tỉnh Cà Mau có 221.360 trẻ em, trong đó có trên 106.000 trẻ chưa biết bơi, chiếm tỷ lệ 66,92%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 39 bể bơi (hồ bơi), trong đó có 25 bể bơi do tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân đầu tư.

Các bể bơi được đầu tư thường tập trung tại khu vực đô thị, chủ yếu phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch… nên không thể đáp ứng yêu cầu phổ cập dạy bơi cho trẻ em. Hiện chỉ có 14/333 điểm trường tiểu học có bể bơi (chiếm 4,2%), trong đó có 6 bể bơi đang xuống cấp và ngưng sử dụng.

Ông Đoàn Văn Tiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) thông tin, bể bơi của trường được đầu tư đưa vào sử dụng từ tháng 9/2017, có diện tích 150 m2, làm bằng bạt, chi phí đầu tư hơn 400 triệu đồng. Số học sinh được tham gia học bơi hằng năm khoảng 200 em. Tuy nhiên, bể bơi hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gần như không còn sử dụng được.

“Hàng tháng, tổng chi phí vận hành, bảo dưỡng bể bơi khoảng 3,5 triệu đồng. Kể từ khi đưa vào vận hành đến nay trường không xã hội hóa được nguồn lực tài chính để bảo dưỡng, do người dân ở đây còn nghèo không có khả năng đóng góp, ủng hộ. Bên cạnh đó, hồ bơi cần nhân sự phụ trách quản lý, thế nhưng ngay cả giáo viên dạy bơi chuyên nghiệp trường còn đang thiếu”, ông Tiệp chia sẻ.

Tương tự, Trường Tiểu học 1 xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển) cũng gặp một số khó khăn trong việc quản lý, vận hành bể bơi. “Trường không thu tiền dạy bơi đối với học sinh, chỉ thu tiền trẻ có nhu cầu đến bơi vào các ngày nghỉ, mùa nắng nóng. Số tiền thu 10.000 đồng/em được dùng để chi mua hóa chất xử lý nước, vệ sinh bể và trả thù lao người làm vệ sinh, giáo viên quản lý bể bơi hàng tháng.

Trường không có nguồn kinh phí được cấp để duy tu bảo dưỡng, duy trì hoạt động của bể bơi. Hầu hết, giáo viên trong trường đều được phân công dạy đủ tiết chuẩn, nếu phân công dạy bơi nữa thì không có nguồn kinh phí chi trả tăng giờ. Trường cũng không có giáo viên được đào tạo kỹ năng dạy bơi để hướng dẫn học sinh”, ông Phạm Viết Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 xã Viên An Đông thông tin.

Giải pháp chống đuối nước

Theo bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, giải pháp căn cơ chống đuối nước cho trẻ em hiện nay là phải nâng tỷ lệ trẻ em biết bơi lên, muốn làm được việc đó thì trước mắt phải đầu tư xây dựng nhiều bể bơi hơn nữa tại các điểm trường.

“Việc hỗ trợ đầu tư bể bơi để dạy bơi cho trẻ em nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận kiến thức, kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước; nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất; phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh Cà Mau và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Sở LĐ-TB&XH đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ đầu tư bể bơi và mức thu phí, mức hỗ trợ trẻ em tham gia học bơi và tham gia bơi trong trường học được đầu tư bể bơi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”, bà Nguyễn Thu Tư thông tin.

Việc đầu tư bể bơi là cần thiết, tuy nhiên nên chọn đầu tư bể bơi bằng xi măng để đảm bảo tuổi thọ, sử dụng được lâu dài. Khi đầu tư bể bơi nên đầu tư thêm đầy đủ các hạng mục công trình phụ như: Mái che, phòng tắm, phòng thay đồ... Cần bố trí thêm giáo viên chuyên ngành giáo dục thể chất cho các trường có bể bơi, cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Bên cạnh quan tâm đầu tư bể bơi, để hạn chế trẻ em bị đuối nước, bà Nguyễn Thu Tư đề nghị, chính quyền địa phương, gia đình cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm, tăng sự phối hợp trong công tác bảo vệ trẻ em.

“Cần đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn trẻ kỹ năng sống, kỹ năng về phòng, chống đuối nước. Các đoàn thể, tổ chức cấp xã, đặc biệt là lực lượng đoàn viên - thanh niên cũng phải vào cuộc tích cực trong việc hỗ trợ, hướng dẫn trẻ học bơi; gia đình phải quản lý chặt con em mình, không để trẻ tự ý đi chơi gần khu vực sông, kênh, rạch, nhất là trong mùa Hè”, bà Nguyễn Thu Tư lưu ý.

“Khi đi đến những khu vực sông nước, trẻ em nên đi thành từng nhóm để có thể hỗ trợ nhau trong trường hợp chẳng may bị rơi xuống nước. Khi phát hiện bạn mình bị đuối nước, trước tiên, các em cần quan sát xung quanh xem có vật dụng nào dài, chắc, nếu có thì đưa ra cho người bị đuối với lấy, kéo vào. Trường hợp không có vật dụng thì cần hô to, chạy ngay tìm người lớn hỗ trợ, không nên nhảy xuống nước cứu bạn dù biết bơi.

Người đuối nước theo phản xạ tự nhiên bám rất chặt, trẻ cùng trọng lượng cơ thể với nhau sẽ khó có thể xử lý đưa người bị đuối vào bờ, vô tình cùng bị đuối nước với bạn”, anh Phạm Quốc Huy, huấn luyện viên bơi Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao TP Cà Mau khuyến cáo.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cùng con học kỹ năng