Bên cạnh đó, để học sinh biết quý trọng và giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, trong lớp học, cô Loan đã trang trí lớp học những hình ảnh trang phục của đồng bào dân tộc. Trong tuần, trường tổ chức hoạt động múa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, bố trí “góc địa phương” mở phiên chợ vùng cao ở sân trường để giúp các em nhỏ không quên được những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Học sinh của cô Loan tham gia hoạt động trải nghiệm. Ảnh NVCC. |
15 năm gắn bó với nghề giáo, cô Loan luôn mong muốn học trò được đến trường đúng độ tuổi, được học hành đầy đủ…. Cô Loan nói: “Tôi mong Nghị định 105 của Chính phủ về hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non được phủ rộng đối tượng hơn nữa. Bởi, Nghị định 105 mới chỉ hỗ trợ trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, còn trẻ độ tuổi nhà trẻ chưa được hưởng. Nếu được hưởng chính sách này, trẻ vùng cao sẽ đi học chuyên cần hơn”.
Đồng thời, huyện Mù Cang Chải có 205 lớp học mầm non, nhưng chỉ có 313 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên mầm non là 1,5 rất khó khăn với giáo viên. Tình trạng trẻ mầm non phải học lớp ghép rất nhiều. “Ở trường tôi có 8 lớp học với 198 học sinh nhưng có đến 6 lớp mẫu giáo ghép. Đội ngũ giáo viên không đảm bảo”, cô Loan nói.
Với cô giáo Đỗ Thị Loan, 15 năm gắn bó với huyện miền núi khó khăn, nhiều lúc tưởng không vượt qua được nhưng giờ đây, Mù Cang Chải là quê hương thứ hai của cô, cô luôn cố gắng hết sức để mỗi học sinh của mình khi đến trường đều được học hành đầy đủ, biết phấn đấu để thực hiện ước mơ, đuổi cái nghèo đói, lạc hậu đi xa.
Sau khoảng thời gian công tác tại xã La Pán Tẩn và trường Mầm non Bông Sen (xã Chế Cu Nha), năm 2021 cô giáo Đỗ Thị Loan được điều chuyển về Trường mầm non Kim Nọi với vai trò là Phó hiệu trưởng trường.
Trường hiện có 198 học sinh và 100% các em là dân tộc H’mông. Những sáng kiến kinh nghiệm về dạy và học tiếng Việt cho trẻ mầm non tiếp tục được nhân rộng và có quy mô cấp tỉnh.
Năm 2022, cô Đỗ Thị Loan là 1 trong 63 thầy cô được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô".