Những ngày này, dẫu đã 21 giờ 30 phút, nhưng đèn trên dãy phòng học của các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) vẫn sáng. Thấp thoáng bóng dáng cô, trò đang miệt mài ôn luyện chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ nghỉ hè của thầy cô chỉ bắt đầu khi học sinh kết thúc kỳ thi và về nhà an toàn.

Đưa trò đến “trạm cuối”

Để đồng hành cùng học trò đến “trạm cuối”, nhiều giáo viên tạm gác niềm vui riêng, gửi con cho ông bà để lên lớp ôn luyện cùng học sinh. Cô Lê Huyền Diệp, giáo viên Trường PTDTNT tỉnh Lạng Sơn, trải lòng: “Giáo viên dạy trường nội trú khác với các đồng nghiệp ở trường THPT bởi học sinh phải sống xa gia đình, chỗ dựa của các em lúc này chính là thầy cô, bạn bè”.

Là giáo viên lâu năm ở trường, cô Diệp hiểu việc ôn tập cho học sinh cuối cấp áp lực như thế nào, do đó giai đoạn này, cô dành trọn thời gian cho trò. “Nhiều hôm đi từ sáng sớm, đến tối muộn mới về, con cái đành nhờ ông bà chăm sóc. Dẫu thương con, nhưng nhìn thấy học trò xa gia đình chỉ có thầy cô bên cạnh nên những chạnh lòng đó biến mất lúc nào không hay”.

Ngoài tập trung giảng dạy trên lớp, cô Diệp còn thành lập nhóm Zalo để học sinh thảo luận, trao đổi những vấn đề cần làm rõ trong quá trình tự học. Qua đó, cô nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc hay phần kiến thức học sinh còn thiếu để bù lấp.

“Giáo viên trường nội trú ngoài giảng dạy còn đóng vai trò như bố mẹ, bác sĩ tâm lý. Do vậy, bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp luôn cố gắng, nỗ lực thân thiết, gắn bó với học sinh”. Chia sẻ thông tin, cô Lý Ánh Ngọc, giáo viên Trường PTDTNT THCS và THPT Lộc Bình (Lạng Sơn), đồng thời cho biết: Học sinh ở trường nội trú hiểu chuyện, có ý thức tự giác học tập cao.

Do vậy, đồng hành cùng các em ba năm qua, cô Ngọc luôn tâm niệm phải làm những điều tốt nhất cho trò. Giai đoạn ôn thi nước rút, cô Ngọc gác niềm vui riêng để dành thời gian lên lớp cùng học sinh. Cô Ngọc tâm sự: “Bản thân từng trải qua áp lực thi cử nên tôi rất hiểu cảm giác của học sinh lúc này. Vì vậy, mỗi giờ lên lớp ngoài giảng dạy, tôi luôn chú ý đến tâm lý nhằm động viên, hỗ trợ không để các em một mình chịu đựng”.

Xác định học là con đường để thay đổi cuộc đời, cô Ngọc luôn cố gắng truyền lửa đam mê, kể những điều thú vị trên giảng đường đại học mà cô đã trải qua để học trò có động lực phấn đấu. Cô Ngọc kể: “Lớp tôi chủ nhiệm có một em hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để có thể học tiếp đại học, giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, em đặt mục tiêu thi đậu vào trường quân đội hoặc công an. Tuy nhiên, sức học của em vừa phải, nếu không có gì đột phá trong năm học lớp 12 thì cơ hội vào các trường này rất thấp”.

Để hỗ trợ cũng như giúp trò chạm vào ước mơ, cô Ngọc đã xây dựng kế hoạch học tập, tăng thời gian phụ đạo riêng. Đồng thời sau mỗi bài học trên lớp, cô giao thêm bài tập về nhà, những phần nào chưa hiểu hai cô trò lại trao đổi, chữa bài qua Zalo. Nhờ đó, năng lực học tập của em bật lên, tự tin bước vào kỳ thi sắp tới.

Cùng trò chạm vào ước mơ ảnh 1

Gần 22 giờ đêm, cô trò Trường PTDTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) vẫn miệt mài ôn bài. Ảnh: Ngô Chuyên

Lo từng bữa ăn, giấc ngủ

“Theo quy định thời gian học ôn trên lớp cùng giáo viên vào buổi tối từ 19 giờ 15 phút đến 21 giờ 30 phút. Tuy nhiên, đối với học sinh cuối cấp gần như hôm nào cô và trò cũng ôn tập đến 22 giờ”, cô Lương Ngọc Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ.

Cô Thanh cho biết thêm: Giáo viên trường nội trú phải thay nhau trực đêm, đôn đốc học sinh ôn bài. “Nếu học sinh ốm, chúng tôi thức trắng đêm thay nhau chăm sóc tại bệnh viện. Tuy nhiên, qua những khó khăn đó, mỗi sáng thức dậy thấy nụ cười của học trò những vất vả, mệt nhọc tan biến”, cô Thanh chia sẻ.

Không những vậy, nhiều năm qua để hỗ trợ cho học sinh cuối cấp, nhà trường đã kêu gọi mỗi giáo viên ủng hộ ít nhất 50 nghìn đồng. Số tiền này được nhà trường mua thêm thức ăn bổ sung chất dinh dưỡng trong giai đoạn nước rút cũng như những ngày đi thi. Đối với học sinh khó khăn, nhà trường mua đồ dùng, vật dụng phục vụ kỳ thi.

“Mỗi ngày thi, các em có thêm sữa để uống, bên cạnh đó, trong ba ngày diễn ra kỳ thi, nhà trường xin sở GD&ĐT giữ lại 4 - 5 giáo viên không đi trông thi để hỗ trợ đưa đón trò đến điểm thi”, cô Thanh nói.

Còn theo thầy Lương Văn Thắng - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS và THPT Lộc Bình (Lạng Sơn), ngoài quan tâm đến việc ôn tập, mỗi bữa ăn nhà trường luôn chú trọng làm sao đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho các em. Theo đó, thực phẩm được chế biến phong phú giúp các em ăn ngon miệng. Bên cạnh đó, buổi tối trường cũng nấu thêm cháo bồi bổ cho học sinh. Ngoài ra, trường còn tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao. Thầy và trò cùng vận động nhằm giảm bớt căng thẳng cũng như nâng cao sức khỏe sau một ngày ôn tập vất vả.

Cùng trò chạm vào ước mơ ảnh 2

Đoàn viên Công đoàn Trường THPT Kỳ Sơn (Nghệ An) nấu cơm và tặng suất ăn miễn phí cho thí sinh thi vào lớp 10 năm 2022.

Đồng hành cùng sĩ tử

Huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) có duy nhất trường THPT với khoảng hơn 1.200 học sinh. Phần lớn học trò ở rải rác các xã trong huyện, có nơi cách xa trường 60 - 70 km nên phải thuê trọ ở khu vực thị trấn Mường Xén để đi học.

Năm học này, Trường THPT Kỳ Sơn có 452 học sinh lớp 12. Theo thầy Trần Văn Vân – Phó Hiệu trưởng nhà trường, các em lớp 12 năm nay vất vả hơn nhiều so với các khóa trước. Bởi vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa phải đi học nhờ địa điểm khác do trường được đầu tư xây dựng lại toàn bộ. “Cũng may trên địa bàn thị trấn Mường Xén có trường tiểu học và mầm non có cơ sở vật chất mới nhưng chuyển đi nơi khác nên huyện đã dành 2 trường này cho thầy trò trường THPT mượn. Nhờ đó, không gây xáo trộn nhiều đến việc tới trường của học sinh”, thầy Vân cho hay.

Học sinh Trường THPT Kỳ Sơn chủ yếu là con em đồng bào dân tộc, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên nhà trường tổ chức ôn thi miễn phí. Đồng thời, ban giám hiệu, thầy cô còn kêu gọi các nguồn lực để trao học bổng, động viên các em cuối cấp nỗ lực học tập, tốt nghiệp THPT. Chuẩn bị cho kỳ thi, nhà trường đã lên kế hoạch cho chương trình “Đồng hành cùng các sĩ tử”.

Theo Phó Hiệu trưởng nhà trường, đây là chương trình thường niên trong những năm gần đây, do công đoàn và đoàn thanh niên chủ trì. Bên cạnh đó có sự hỗ trợ của phụ huynh, đoàn thanh niên và chính quyền địa phương. Trước đó, chương trình “Đồng hành cùng các sĩ tử” năm 2022 đã hỗ trợ gần 650 suất ăn cho thí sinh lớp 9 dự thi tuyển sinh vào lớp 10.

Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, sĩ tử đều là học sinh của trường. Vì thế, chương trình hỗ trợ 2 bữa ăn trưa trong 2 ngày thi cho với dự kiến hơn 900 suất ăn. Bên cạnh đó còn có nước uống miễn phí, đội “phản ứng nhanh” của đoàn thanh niên đưa suất cơm đến nhà trọ cho thí sinh, hoặc hỗ trợ các em nếu thiếu phương tiện đi lại, gặp sự cố quên đồ, thẻ dự thi…

Em Lỳ Y Mái (nhà ở xã Mường Lống, cách trường hơn 60 km) nên ở trọ nhiều năm nay. Mái sẽ ở lại nhà trọ (cho đến khi kỳ thi kết thúc) để dành thời gian ôn tập. “Dù ở trọ nhưng được thầy cô quan tâm giúp đỡ nên em yên tâm hơn và sẽ cố gắng để đạt kết quả tốt nhất”, cô học trò người Mông chia sẻ.

Dịp này, Đoàn Thanh niên huyện Tương Dương (Nghệ An) cũng kết nối với các trường THPT trên địa bàn để nắm số lượng thí sinh cần giúp đỡ. Theo đó, thí sinh nhà xa có thể đăng ký các nội dung như: Tìm nhà trọ miễn phí hoặc giá rẻ, đưa đón đến điểm thi, suất ăn trưa, nước uống miễn phí.

Tương Dương có 2 trường THPT, tùy thực tế từng năm học mà tổ chức thành 2 điểm thi hoặc tập trung về 1 điểm thi tại Trường THPT Tương Dương 1. Chị Xeo Thị Phon (cán bộ huyện đoàn Tương Dương) cho hay: Sau khi nắm số lượng và nhu cầu cụ thể, chúng tôi lập kế hoạch huy động các nguồn lực, kinh phí và tổ chức nấu ăn. Những năm qua, việc nấu ăn còn được nhiều người dân, phụ huynh, chủ nhà hàng hỗ trợ.

“Việc nấu ăn cho thí sinh rất quan trọng vì phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ dinh dưỡng, ngon miệng. Vì vậy, các nhà hàng có đầy đủ cơ sở vật chất, dụng cụ để nấu với số lượng lớn. Ngoài ra, khi huyện đoàn đặt vấn đề, nhiều gia đình cũng sẵn sàng hỗ trợ nơi ở miễn phí hoặc giá rẻ cho học sinh ở xa đến dự thi”, chị Xeo Thị Phon nói.

Để công tác ôn tập cho học sinh đạt hiệu quả tốt nhất, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các trường nội trú cắt cử giáo viên trực 24/24 giờ nhằm hướng dẫn ôn tập, chăm sóc học sinh. Các trường rà soát những em có hoàn cảnh khó khăn để bố trí xe đưa đón, sắp xếp chỗ nghỉ trong những ngày diễn ra kỳ thi. Hỗ trợ các suất ăn trưa miễn phí cho thí sinh ở nội trú, ở xa điểm thi; phân công giáo viên của trường quản lý, theo dõi và hỗ trợ kịp thời thí sinh dự thi theo phương châm “không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không thể dự thi”. - Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cùng trò chạm vào ước mơ