Khi vùng tuyển sinh không còn “giới hạn”, đòi hỏi các trường phải đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo đầu ra.
Hai năm gần đây, việc Sở GD&ĐT Nghệ An cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 đã tạo nên làn sóng dịch chuyển vùng tuyển sinh. Đây là kỳ thi mang tính chất sàng lọc, vì vậy việc đổi nguyện vọng có thể là cơ hội cho thí sinh này nhưng lại là áp lực với thí sinh khác.
Đổi nguyện vọng: thiệt – hơn giữa thí sinh các vùng miền
Mặc dù Sở GD&ĐT Nghệ An đã công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 từ ngày 15/6, tuy nhiên dự kiến đến giữa tháng 7 mới có kết quả chấm phúc khảo. Sau đó các trường THPT mới tính toán, thông báo điểm chuẩn và gọi nhập học. Trong thời gian này, nhiều thí sinh, phụ huynh vẫn đang thấp thỏm, lo lắng chờ đợi.
Sau khi biết kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10, thầy Nguyễn Văn Tân – Hiệu trưởng Trường THCS Trung Phúc Cường 1 (huyện Nam Đàn, Nghệ An) lo ngại nhiều học sinh của trường sẽ bị trượt trường THPT công lập.
Theo thầy Tân, năm nay trường có 83 học sinh thi vào lớp 10, chủ yếu đăng ký nguyện vọng 1 tại Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn). Những năm trước, trường này lấy điểm chuẩn từ 10-13 điểm, nhưng năm nay dự báo sẽ tăng lên do có nhiều thí sinh từ vùng khác chuyển nguyện vọng về. Căn cứ vào điểm thi và thứ tự xếp hạng, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Phúc Cường 1 dự báo sẽ có khoảng 20 học sinh có nguy cơ không đủ điểm trúng tuyển.
Còn cô Đặng Thị An – Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng chia sẻ, hàng năm, phần lớn học sinh lớp 9 của trường đăng ký NV1 vào Trường THPT Thái Lão vì khoảng cách chỉ 2-3km. Tuy nhiên, năm nay, có nhiều em đã đổi nguyện vọng về các trường như THPT Phạm Hồng Thái, THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên) hoặc Trường THPT Kim Liên của huyện Nam Đàn dù xa hơn. Những học sinh này đạt khoảng 20 điểm. Với số điểm này, những năm trước học sinh đã có thể yên tâm đậu vào lớp 10 Trường THPT Thái Lão, nhưng năm nay, các em lại chưa thể yên tâm.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, việc thực hiện thay đổi nguyện vọng là nhu cầu, quyền lợi chính đáng của học sinh khi được Sở GD&ĐT cho phép. Điều này giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào trường THPT công lập phù hợp với năng lực của mình, nhưng ngược lại cũng sẽ là thiệt thòi, bất cập cho những thí sinh khác. Khi chuyển vùng tuyển sinh, những em ở khu vực nông thôn, điều kiện môi trường học tập, sự đầu tư của gia đình khó tương đồng với các bạn đến từ thành thị. Trong cuộc cạnh tranh này, học sinh thành phố, vùng trung tâm sẽ chiếm ưu thế hơn.
Trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 diễn ra, Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có 658 hồ sơ đăng ký dự thi trên tổng số 360 chỉ tiêu, tỷ lệ trúng tuyển là 54%. Tuy nhiên, sau thời gian thay đổi nguyện vọng, số hồ sơ đăng ký của Trường THPT Thái Lão lại giảm mạnh, tỷ lệ trúng tuyển tăng lên hơn 70%.
Theo lãnh đạo nhà trường, phần lớn hồ sơ chuyển nguyện vọng đi là học sinh của huyện Hưng Nguyên. Sau khi làm bài thi xong, trước thông tin tiếp tục có các bạn từ thành phố Vinh chuyển nguyện vọng về Trường THPT Thái Lão, cùng với tỷ lệ trúng tuyển công bố trước đó là 54% khiến nhiều học sinh của huyện Hưng Nguyên lo lắng bị trượt nguyện vọng 1 (NV1). Vì vậy các em đã chuyển về các trường có điểm trúng tuyển hàng năm thấp hơn, số hồ sơ đăng ký còn lại của nhà trường giảm hẳn.
Cuộc cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng?
Năm nay, 3 trường THPT công lập trên địa bàn là THPT Nam Đàn 1, THPT Nam Đàn 2 và THPT Kim Liên có tổng chỉ tiêu là 34 lớp với 1.530 học sinh. Ngoài trường THPT Nam Đàn 1 có điểm trúng tuyển hàng năm khoảng 16 – 17 điểm, thì 2 trường còn lại chỉ dao động từ 10 – 13 điểm.
Khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra, Trường THPT Nam Đàn 1 có 773 thí sinh dự thi (trên 585 chỉ tiêu). Trường THPT Kim Liên có 555 hồ sơ/495 chỉ tiêu, tỷ lệ trúng tuyển là 89%. Còn Trường THPT Nam Đàn 2 là 623 hồ sơ/450 chỉ tiêu, tỷ lệ trúng tuyển là 72%.
Sau khi kết thúc kỳ thi và hết thời gian thay đổi nguyện vọng, Trường THPT Nam Đàn 1 có 70 em chuyển hồ đi trường khác, chỉ có 2 em chuyển hồ sơ đến. Trong khi 2 trường THPT Nam Đàn 2 và THPT Kim Liên có gần 500 thí sinh đăng ký chuyển về.
Thầy giáo Dương Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, cho biết: “Dự kiến điểm chuẩn năm nay của trường chúng tôi là 16,5, cao hơn các năm trước gần 3 điểm, dù đề thi năm nay được đánh giá khó hơn. Đối với nhà trường, điều này đồng nghĩa với việc có sàng lọc tốt hơn, chất lượng đầu vào của trường được nâng lên”.
Tuy nhiên với trách nhiệm của một ngôi trường THPT đứng chân trên địa bàn, thầy Dương Sơn cũng bày tỏ lo lắng cho học sinh ở vùng tuyển sinh “truyền thống”. Nếu nhìn tổng thể, toàn huyện Nam Đàn có hơn 2.500 học sinh lớp 9, trong khi chỉ có khoảng 1.900 em dự thi/1.530 chỉ tiêu cho cả 3 trường THPT công lập. Như vậy có gần 600 em chủ động không thi vào lớp 10 mà phân luồng vào các trường nghề, trường THPT ngoài công lập. Những em này chỉ cần xét tuyển và không bị áp lực về thi cử.
Với số lượng còn lại, ngoại trừ đăng ký vào trường THPT Nam Đàn 1, thì lâu nay điểm chuẩn vào 2 trường THPT Kim Liên và Nam Đàn 2 duy trì ở mức 10 – 13 điểm. Vùng tuyển sinh ổn định và tỷ lệ trúng tuyển hàng năm cao. Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên đặt câu hỏi, việc dễ trúng tuyển với số điểm không cao liệu có khiến các trường THCS và học sinh lớp 9 tự bằng lòng, không nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học. Và đến khi có làn sóng chuyển nguyện vọng từ địa phương khác tới, thì học sinh của Nam Đàn sẽ bị thiệt thòi?
Còn tại Trường THPT Nam Đàn 2, vùng tuyển sinh chính của trường là khu vực "5 Nam", với các xã: Nam Kim, Trung Phúc Cường và Khánh Sơn; mặt bằng học sinh ở đây so với toàn huyện thường thấp hơn. Trước đây, với điểm chuẩn chỉ dao động chưa đến 12 điểm/3 môn, tỷ lệ đậu công lập ở đây rất cao. Nhưng năm nay thực tế dự kiến sẽ không còn dễ dàng như vậy.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tân – Hiệu trưởng Trường THCS Trung Phúc Cường 1 (huyện Nam Đàn) cũng thừa nhận, ngoài nguyên nhân khách quan như số lượng học sinh lớp 9 tăng, phải cạnh tranh với các bạn khác huyện, thì bản thân nhà trường, phụ huynh, thí sinh cũng phải chăm lo hơn về chất lượng giáo dục.
“Lâu nay, nhiều người vẫn nói rằng, vùng "5 Nam" là vùng trũng, chất lượng dạy học chưa cao nên điểm chuẩn thấp. Vì thế được học sinh vùng khác chuyển nguyện vọng về để tăng cơ hội đậu lớp 10 công lập. Trước thực tế này, chúng tôi phải thay đổi cách dạy, cách học, nâng chất lượng giáo dục để tăng sức cạnh tranh nội tại cho học sinh của mình”, thầy Tân nói.
Thầy Phạm Xuân Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 cũng nói thêm, nhìn từ kỳ thi, đây là lứa học sinh cuối cùng theo chương trình GDPT 2006, và số lượng học sinh dự thi tăng đột biến so với các năm trước. Vì vậy, học sinh cũng lo lắng và có ý thức học tập chăm chỉ, nỗ lực hơn. Đơn cử những năm trước, khi thời gian làm bài vừa hết 2/3 thời gian làm bài môn tự luận, nhiều học sinh đã nộp bài sớm và rời phòng thi, nhất là với môn Ngữ văn. Nhưng năm nay qua quan sát, các em đều nỗ lực hết sức mình, làm bài thi cho đến khi hết giờ, rất ít trường hợp ra sớm.
Thầy Phạm Xuân Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2 cho rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là thước đo đánh giá chất lượng dạy học cấp THCS khá rõ ràng. Nhất là khi vùng tuyển sinh không còn cục bộ mà dần xóa bỏ giới hạn hành chính, thì đây cuộc cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng mà các trường, phụ huynh, học sinh phải chấp nhận để đổi mới, dạy học thực chất, đảm bảo đầu ra.