Tiến sĩ Papi Maloba, bác sĩ phẫu thuật duy nhất làm việc tại Adre vào ngày 15-6 nhớ lại, hầu hết các vết thương trên người nạn nhân do đạn bắn vào lưng, chân và mông. Nhiều người trong số những người bị thương là phụ nữ và trẻ em. “Tôi nhớ cái chết đầu tiên mà tôi chứng kiến là vào chiều 15-6, đó là một trẻ 2 tuổi bị bắn nhiều phát vào bụng”. Từ ngày 15 đến ngày 18-6, 112 phụ nữ đã được điều trị tại bệnh viện ở Adre vì các vết thương do đạn bắn hay bị đánh đập, hành hung. Một nửa trong số họ đã mang thai.
Trong khi đó, cũng trong sáng 15-6, khoảng 300 người đi về phía Đông tới một thung lũng được gọi là Wadi Kaja với hy vọng băng qua một con sông thường cạn nước để cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của RSF và các đồng minh. Nhưng theo những người chứng kiến và được chứng thực bằng hình ảnh vệ tinh, nước sông hôm đó dâng cao bất thường khiến rất nhiều người không biết bơi bị chết đuối. Ba nhân chứng tại Wadi Kaja cho biết, lực lượng dân quân đã bắn vào những người dưới nước, bao gồm cả trẻ em và người già, khi họ cố gắng bơi qua một cách tuyệt vọng.
Zahra Adam - một nhà hoạt động vì nữ quyền từ El Geneina kể, cô đã cứu 2 cậu bé khỏi chết đuối. “Tôi đã cố quay video nhưng có một người đàn ông có vũ trang ở phía sau nên không thể. RSF bao vây chúng tôi. Họ ở khắp mọi nơi”. Các video quay cảnh thi thể chất đống được chia sẻ trên mạng xã hội vào đầu tuần đó cũng được định vị ở khu vực này, cho thấy đây là địa điểm mà tội ác lặp đi lặp lại. “Hơn 1.000 người đã thiệt mạng vào ngày 15-6. Tôi là người đi thu thập các thi thể vào ngày hôm đó” - một nhân viên nhân đạo địa phương yêu cầu giấu tên cho biết. Theo người này, nạn nhân được chôn trong 5 ngôi mộ tập thể trong và xung quanh thành phố. Ông khẳng định, ngày 15, 16 và 17-6 là những ngày đẫm máu nhất ở Geneina.
Một video tuyên truyền được RSF chia sẻ trên kênh YouTube chính thức của tổ chức này vào ngày 2-7 đã chứng thực thêm cáo buộc về các vụ thảm sát ở El Geneina. Đoạn phim cho thấy chỉ huy RSF Tây Darfur, Tướng Abdelrahman Juma - người cũng xuất hiện trong video bắt cóc Thống đốc Tây Darfur - giám sát một chiến dịch “dọn dẹp” trong thành phố. Người ta thấy trong video Juma cảm ơn các thành viên của Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Sudan (SRC) vì sự giúp đỡ của họ. Một số người trong video mặc bộ đồ bảo hộ và đeo găng tay. Đoạn video được thực hiện cách Wadi Kaja khoảng 300m, phần nào cho thấy có thể các thành viên SRC đã tham gia vào việc chôn cất nạn nhân. Tuy nhiên, bảo mật là chìa khóa để duy trì tính trung lập các tổ chức nhân đạo trong thời gian xung đột nên không chắc họ sẽ xác nhận hoặc chia sẻ bằng chứng về các vụ thảm sát đó.
Người tị nạn từ cuộc xung đột Sudan được nhân viên Tổ chức Bác sĩ không biên giới điều trị tại bệnh viện Adre, CH Chad ngày 15-6-2023
Lối thoát nào cho cuộc xung đột?
Theo Liên hợp quốc, hơn 1 triệu người đã chạy trốn khỏi Sudan sang các nước láng giềng kể từ tháng 4-2023, khi giao tranh đẩy đất nước này vào cuộc nội chiến. Báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế ngày 15-8 cho biết, cuộc xung đột ở Sudan đã khiến hơn 3,4 triệu người phải sơ tán. Bà Elizabeth Throssell, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền, cho biết trong một cuộc họp báo ở Geneva: “Thi thể nhiều người thiệt mạng chưa được thu thập, xác định danh tính hoặc chôn cất nhưng ước tính rằng hơn 4.000 người đã thiệt mạng”.
“Tình hình đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt chiến sự ngay lập tức. Người dân Sudan cần hòa bình và tiếp cận bình đẳng với cứu trợ nhân đạo. Và cộng đồng quốc tế phải đẩy mạnh ngay, tham gia ở tất cả các cấp và hành động để đưa Sudan trở lại đúng hướng và chấm dứt chiến tranh” - Tổ chức Di cư Quốc tế kêu gọi.
Trong một bài phát biểu hôm 14-8, chỉ huy quân đội, Tướng Abdel Fattah al-Burhan đã cáo buộc RSF muốn “đưa đất nước trở lại thời kỳ trước khi có Nhà nước hiện đại và phạm mọi tội ác không thể tưởng tượng được”. RSF lại cáo buộc quân đội cố gắng giành toàn bộ quyền lực dưới sự chỉ đạo của những người trung thành với cựu Tổng thống Omar al-Bashir. Những nỗ lực do Ảrập Saudi và Mỹ dẫn đầu nhằm đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn ở Sudan đã bị đình trệ. Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo vẫn phải vật lộn để cung cấp cứu trợ trong bối cảnh mất an ninh, cướp bóc và các rào cản quan liêu.
Sự cố mất liên lạc viễn thông và việc hủy mọi chuyến bay của các nhóm viện trợ quốc tế khiến khu vực Darfur, cực Tây Sudan gần như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài. Nhưng tin tức về vụ thảm sát ngày 15-6-2023 vẫn lan ra khỏi khu vực. Bằng chứng cho thấy, nhóm bán quân sự RSF và các đồng minh đã thực hiện một chiến dịch giết người và bạo lực tình dục trên diện rộng và chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Mặc dù vậy, người phát ngôn chính thức của RSF nói rằng họ “dứt khoát” bác bỏ các cáo buộc. |