Năm học 2023 - 2024 là khoảng thời gian đặc biệt với PGS.TS Lê Thanh Long (35 tuổi) - giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Chỉ trong thời gian ngắn, anh liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu.
Anh được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư, được vinh danh Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VII, nhận danh hiệu Cán bộ trẻ tiêu biểu của Đại học Quốc gia TPHCM ba năm liên tiếp và là một trong 14 Công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM. Trước đó không lâu, anh nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng do Trung ương Đoàn trao tặng.
PGS.TS Lê Thanh Long chia sẻ, sau khi du học tại nước ngoài, bản thân quay lại Trường Đại học Bách khoa - nơi từng theo học bậc đại học để công tác. “Những năm đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn nhưng những điều này đã được dự báo trước. Tuy nhiên, mọi việc dần dần thay đổi theo hướng tốt hơn. Nhà trường có nhiều chính sách để nhà khoa học trẻ đăng ký đề tài, nghiên cứu khoa học. Tại trường, các thầy cô tạo điều kiện để nhà khoa học trẻ tham gia dự án, đề tài nghiên cứu”, PGS Long cho biết.
Còn với TS Hà Thị Thanh Hương - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật Y sinh (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM) cũng chia sẻ, lý do trở về Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ ở nước ngoài vì tìm được đam mê trong công việc. Theo chị, không chỉ là thu nhập, môi trường làm việc và khả năng được cống hiến mới là động lực chính để thu hút và giữ chân nhà khoa học.
“Nơi đây có những đồng nghiệp cùng đam mê, được sử dụng tất cả loại máy móc hiện đại không chỉ của trường mà là trang thiết bị có trong hệ thống Đại học Quốc gia TPHCM để phục vụ cho các đề tài nghiên cứu và hiện thực hóa các đề tài, nghiên cứu”, TS Hương chia sẻ môi trường làm việc hiện tại.
Đó là tiếng nói của những người trong cuộc - nhân tài đã chọn bến đỗ là các trường đại học ở Việt Nam cho sự nghiệp giáo dục, khoa học của mình. Ngoài thu nhập, môi trường làm việc và khả năng phát triển là những yếu tố họ quan tâm nhất. Ở góc nhìn toàn diện hơn, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, có 3 nhân tố quan trọng để đại học này thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tới làm việc.
Thứ nhất là không gian tự chủ, sáng tạo, hay nói cách khác là “sự trao quyền”. Theo đó, nhà khoa học về công tác tại Đại học Quốc gia TPHCM có cơ hội đứng đầu nhóm nghiên cứu mạnh, giữ vị trí trưởng phòng thí nghiệm trọng điểm hay trưởng ngành đào tạo mới, được hỗ trợ nguồn lực tài chính để chủ động thực hiện kế hoạch nghiên cứu.
Thứ hai là không gian đóng góp, cống hiến. Đảng và Nhà nước giao cho Đại học Quốc gia TPHCM sứ mạng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo giải quyết các nhiệm vụ quốc gia, khu vực và thế giới. Do đó, các nhà khoa học về làm việc tại Đại học Quốc gia TPHCM có cơ hội làm chủ nhiệm các đề tài, dự án nghiên cứu lớn; mở rộng mạng lưới hợp tác trong và ngoài nước; tham gia đào tạo, hướng dẫn sinh viên xuất sắc, học viên cao học, nghiên cứu sinh để hiện thực hóa khát vọng đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Thứ ba là không gian phát triển và thăng tiến. Các nhà khoa học sẽ xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp như kế hoạch trở thành phó giáo sư, giáo sư, nhà khoa học đầu ngành, hướng đến các giải thưởng khoa học uy tín trong và ngoài nước. “Đại học Quốc gia TPHCM cam kết đồng hành và hỗ trợ các nhà khoa học trong lộ trình phát triển nghề nghiệp”, ông Vũ Hải Quân cho biết.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, con người là yếu tố quan trọng, then chốt. Môi trường đại học nếu không có các nhà khoa học xuất sắc thì chưa đúng với tính chất của một đại học. Ông tin rằng bằng sức mạnh hệ thống giữa các đơn vị thành viên và trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, VNU350 sẽ tuyển mộ được nhiều nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành.
Giảng viên Trường Đại học Tài chính – Marketing trong một giờ giảng. Ảnh: UFM |
Trong công bố về chính sách thu hút nhân tài của mình, Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết đang đẩy mạnh các ngành nghề đào tạo của trường, nhất là các ngành: Marketing, Kinh doanh quốc tế, Công nghệ tài chính, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng... và các ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội, bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu. Nhà trường muốn liên tục bổ sung vào đội ngũ giảng viên cơ hữu một lực lượng có trình độ cao, năng lực ngoại ngữ tốt, có năng lực nghiên cứu khoa học, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, có tư duy quản lý giáo dục hiện đại nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà trường.
PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing thông tin, hỗ trợ, thu hút giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ là chính sách nhất quán của nhà trường từ nhiều năm qua. Chính sách này cũng được áp dụng để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý giáo dục cơ hữu của nhà trường yên tâm và tích cực học tập, nghiên cứu.
“Chúng tôi tin rằng chìa khóa để tiến xa trong hành trình nghiên cứu và giảng dạy là có được đội ngũ giáo sư và nhà nghiên cứu tài năng và đa dạng. Chúng tôi cam kết cung cấp môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ để họ có thể phát triển toàn diện và đóng góp vào sứ mệnh của trường”, PGS.TS Phạm Tiến Đạt chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Tú Anh - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, kể từ khi chuyển sang cơ chế tự chủ năm 2021, trường đã triển khai đề án thu hút tiến sĩ với mức lương hấp dẫn.
Theo đó, tiến sĩ trở lên làm công tác quản lý có mức thu nhập trung bình 60 triệu đồng/tháng, còn tiến sĩ trở lên nhưng không làm công tác quản lý thu nhập trung bình hơn 35 triệu đồng/tháng. “Mức này để minh chứng rằng không phải cứ trường công thì thu nhập thấp. Thu nhập chỉ là một phần, quan trọng họ có được môi trường làm việc tốt, sự hỗ trợ giữa các đơn vị, đầu tư của trường cho nghiên cứu…”, PGS Tú Anh chia sẻ.