Cuộc hội ngộ của những người "chi viện con chữ" cho đất lửa Quảng Trị

Phạm Quyên | 06/05/2022, 11:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nửa thế kỷ trôi qua, những chàng trai, cô gái trong Đoàn giáo chức miền Bắc đi B “chi viện con chữ” cho Quảng Trị ngày ấy nay tóc đã pha sương có dịp hội ngộ tại đất lửa để thăm lại chiến trường xưa.

Đoàn cựu giáo chức đi B chụp ảnh kỷ niệm với Sở GD&ĐT Quảng Trị.Đoàn cựu giáo chức đi B chụp ảnh kỷ niệm với Sở GD&ĐT Quảng Trị.

Dành trọn tuổi xuân cho Tổ quốc

Cách đây nửa thế kỷ, tỉnh Quảng Trị được giải phóng (1/5/1972), một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính quyền cách mạng là chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển quy mô và mạng lưới trường lớp, xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa cho các tầng lớp nhân dân.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách này, một mặt tỉnh Quảng Trị sử dụng lực lượng tại chỗ gồm cán bộ, giáo viên đang giảng dạy hoặc đang đảm nhiệm các công việc khác ở vùng giải phóng tăng cường cho giáo dục, đồng thời mở các lớp đào tạo cấp tốc ngành sư phạm để đáp ứng yêu cầu mở lớp. Mặt khác, tỉnh đề xuất khẩn cấp với Trung ương xin chi viện con người và các điều kiện cần thiết trước mắt cho giáo dục Quảng Trị.

Đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và của cách mạng miền Nam, từ năm 1972, một lực lượng đông đảo cán bộ, giáo viên, sinh viên tuổi đời rất trẻ thuộc 17 tỉnh miền Bắc XHCN với số lượng hơn 700 người đã tình nguyện xung phong vào chiến trường miền Nam gieo hạt ươm mầm cho sự nghiệp trồng người ở Quảng Trị (giáo viên đi B).

Tại Quảng Trị, các thầy cô giáo đi B đã đem hết tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà; trang bị cho học sinh và nhân dân vùng giải phóng có đầy đủ kiến thức để hàn gắn vết thương chiến tranh tiến lên xây dựng XHCN; tạo dựng nền móng ban đầu cho giáo dục ở vùng mới giải phóng.

Cựu giáo viên Nguyễn Thị Yên (trú tại TP Hà Nội) – Trưởng ban Liên lạc Hội Cựu giáo chức các tỉnh phía Bắc đi B ở Quảng Trị chia sẻ, năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những giáo viên trẻ của Thủ đô và các tỉnh trên toàn miền Bắc đã không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái viết đơn tình nguyện vào miền Nam chi viện cho sự nghiệp trồng người.

Với hành trang là chiếc ba lô con cóc, chứa những quân trang tư dụng và những quyển giáo án. Đồng thời phải đối mặt với những hiểm nguy rập rình như bao người lính khác, đó là những cơn sốt rét ác tính, thám báo, biệt kích, bom mìn… để tiến bước vào Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài việc dạy học, các giáo viên đi B đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng lao động tăng gia sản xuất với người dân. Nhanh chóng tạo nên những phòng học tranh, lá, tre nứa để các em nhỏ mau chóng được đến trường.

“Khó khăn không thể kể hết, bên cạnh đó còn nỗi nhớ nhà da diết, tuy nhiên chúng tôi đã được các cấp ủy lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và nhân dân giúp đỡ, đùm bọc, chở che. Nhờ vậy mà mọi người mới yên tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Tuổi thanh xuân của chúng tôi đã dành trọn cho Tổ quốc yêu dấu. Chúng tôi tự hào về điều đó”, cô Yên xúc động nói.

Cũng theo cô Yên, để hoàn thành sứ mệnh cao cả, có nhiều giáo viên trong số này đã phải nằm lại ở nơi đây, có người bị thương vì bom mìn ngay khi vừa đặt chân đến Quảng Trị. Cũng có người sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở ra Bắc thì nhiễm chất độc màu da cam và để lại những đứa con không có khả năng làm người bình thường.

Cựu giáo viên Nguyễn Thị Yên – Trưởng ban Liên lạc Hội Cựu giáo chức các tỉnh miền Bắc đi B ở Quảng Trị tặng quà kỷ niệm cho Sở GD&ĐT Quảng Trị nhân chuyến gặp mặt.

Chuyến “về nguồn” nhiều xúc cảm

Đằng đẵng 50 năm trôi qua, các cựu giáo viên miền Bắc đi B mới có dịp gặp lại nhau trên đất lửa. Đây là lần thứ 2 Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức cuộc gặp mặt những cựu giáo chức đi B năm xưa ở Quảng Trị. Cuộc hội ngộ diễn ra trước thềm kỷ niệm ngày thống nhất non sông và cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2022).

Gần 80 cựu giáo chức đi B tại Quảng Trị, hiện ở các tỉnh phía Bắc gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình... và Quảng Bình có dịp về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, viếng các địa danh lịch sử như: Thành cổ Quảng Trị, Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9...

Ngày gặp lại, người lớn tuổi nhất trong Đoàn, nay đã 90 tuổi, còn người nhỏ tuổi nhất ngày nào giờ cũng đã trên 70 tuổi, ai nấy đều bùi ngùi xúc động. Có nhiều người đây là lần thứ 2 được hội ngộ đồng nghiệp xưa, nhưng cũng có nhiều người đây là lần đầu tiên được gặp gỡ bạn đồng nghiệp kể từ ngày rời mảnh đất Quảng Trị trở về lại quê hương của mình.

Những cái ôm, cái nắm tay siết chặt, rồi những ánh mắt ngấn lệ xuyên suốt cuộc hội ngộ. Bao kỷ niệm ân tình gắn bó trên đất lửa được ôn lại. Bên cạnh đó, được chứng kiến sự đổi thay trên vùng đất ác liệt năm xưa, mọi người đều vui mừng khôn xiết.

Theo cựu giáo viên Ngô Đức Quyền (trú tại Quảng Bình), ngày đến Quảng Trị nhận nhiệm vụ, thầy theo chân giao liên đến các làng quê, xã phường mới giải phóng. Lúc bấy giờ, khung cảnh hiện ra trước mắt là một vùng đất toàn cảnh bom cày đạn xới, xóm làng xơ xác, không còn nhà cửa nguyên vẹn, ruộng vườn mọc đầy cỏ tranh, cỏ dại, nước sinh hoạt thì từ hố bom. Trong hoàn cảnh như thế, thầy cùng đồng nghiệp luôn động viên nhau, xác định coi Quảng Trị là quê hương thứ 2 của mình, cùng cố gắng bám trụ, hoàn thành nhiệm vụ ươm mầm tri thức. Những lần thầy được trở lại thăm chiến trường xưa, thấy vùng đất này dần hồi sinh mà lòng phơi phới niềm vui.

Còn cựu giáo viên Chu Thị Nhung (trú tại TP Hà Nội) cho hay, năm 1978, cô quay trở về quê nhà công tác sau 5 năm dạy học ở Quảng Trị. Hôm nay được quay trở lại thăm chiến trường xưa nơi tuổi xuân từng gắn bó, rồi viếng thăm các địa chỉ đỏ khiến cô vừa mừng vui, vừa xúc động bởi được gặp lại bạn cũ, được nhìn thấy quê hương thứ 2 đã thay da đổi thịt đến bất ngờ.

“Thế hệ giáo viên đi B chúng tôi nay đều đã về hưu, có nhiều người trong Đoàn cũng đã mất, nhưng ai nấy đều ấm lòng khi nhìn thấy sự đổi thay diệu kỳ trên “vùng đất chết”, đặc biệt là về giáo dục. Mạng lưới trường lớp ở đây ngày càng quy mô, khang trang, cơ sở vật chất được trang bị đủ đầy”.

Ngày trở lại thăm quê hương thứ 2 Quảng Trị, nhiều giáo viên trong Đoàn đã bước vào tuổi xưa nay hiếm.

Đóng góp của các giáo viên đi B là một kỳ tích anh hùng

Trân trọng, thành kính và tri ân trước những đóng góp, cống hiến, hi sinh thầm lặng của các thế hệ thầy cô giáo đi B trong sự nghiệp trồng người ở một giai đoạn cách mạng cực kỳ gian khó của quê hương Quảng Trị, TS Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị chân thành gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo – những người đã đặt nền móng cho ngành Giáo dục Quảng Trị trong thời kỳ cam go nhất.

Sau 50 năm kể từ ngày các cựu giáo chức miền Bắc đi B vào Quảng Trị, nền giáo dục của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong đó, quy mô, mạng lưới trường lớp không ngừng phát triển, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân; chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông được nâng cao; công tác phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh.

TS Lê Thị Hương cho rằng, những chiến công, đóng góp và cả sự hi sinh của thế hệ thầy cô giáo từng tham gia chi viện cho miền Nam 50 năm trước thật không có gì so sánh được. Đóng góp của các thầy cô cho ngành Giáo dục, cho công cuộc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng để đi đến thắng lợi vẻ vang của dân tộc thật sự là một kỳ tích anh hùng.

“Có được thành công trong ngành Giáo dục như hôm nay, tỉnh Quảng Trị ghi nhớ công sức cống hiến của các thầy cô giáo miền Bắc đi B đã có nhiều cống hiến trong việc tạo dựng nền móng ban đầu cho giáo dục ở vùng mới giải phóng Quảng Trị. Đây là những giá trị đáng quý, truyền cảm hứng cho thế hệ giáo viên Quảng Trị hôm nay có thêm sức mạnh để nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn trong công tác, tiếp tục đưa ngành GD&ĐT Quảng Trị vững bước phát triển trong tình hình mới”. - TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc hội ngộ của những người "chi viện con chữ" cho đất lửa Quảng Trị