Chiều 14/7, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành về cung cấp, giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến.
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo/chuyên viên các Vụ/Cục thuộc Bộ GD&ĐT: Quản lý chất lượng, Hợp tác quốc tế, Khoa học công nghệ thông tin, Tổ chức cán bộ, Giáo dục mầm non, Giáo dục phổ thông, Giáo dục đại học, Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ.
Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trưởng đoàn cùng các thành viên làm việc tại trụ sở Bộ GD&ĐT. Ngày 15/7, Đoàn kiểm tra thực địa tại Cục Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý chất lượng, Cục Khoa học công nghệ thông tin và làm việc với đại diện các đơn vị này.
Báo cáo từ Văn phòng Bộ GD&ĐT cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Bộ GD&ĐT đã số hóa được khoảng 50.000 cơ sở giáo dục từ mầm non - phổ thông - GDTX bao gồm cả các điểm trường; hơn 27 triệu hồ sơ điện tử học sinh; 1,4 triệu hồ sơ điện tử giáo viên; trên 115 nghìn hồ sơ điện tử cán bộ quản lý, người lao động.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT thực hiện cung cấp 95 dịch vụ công trực tuyến (23 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 72 dịch vụ công trực tuyến một phần) tại địa chỉ website: dichvucong.moet.gov.vn.
Thực hiện Văn bản 4725 ngày 28/5/2025 của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 6 vừa qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục kết nối, cung cấp 95 thủ tục hành chính của Bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ GD&ĐT đã nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Chính phủ, cho phép cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ GD&ĐT được công bố, cập nhật đầy đủ bộ phận cấu thành của thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, từ năm 2022, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục đã kết nối và xác thực, định danh của hơn 24 triệu giáo viên, học sinh. Đồng thời, cơ sở dữ liệu về Giáo dục mầm non - phổ thông - GDTX cũng đã làm giàu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin giáo dục của hơn 24 triệu công dân.
Đến năm 2024, Bộ đã kết nối dữ liệu cư trú cho 760 nghìn học sinh với Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Tất cả các nhà trường triển khai dữ liệu này trực tuyến để xét công nhận tốt nghiệp THPT, phục vụ tuyển sinh đầu cấp thay thế hoàn toàn việc sử dụng giấy xác nhận thường trú.
Năm 2025, việc khai thác thông tin dữ liệu dân cư qua Hệ thống quản lý thi đã đạt trên 800 nghìn lượt, phục vụ xét ưu tiên theo nơi cư trú cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng. Đây cũng là năm đầu tiên, tất cả thí sinh (cả thí sinh tự do) đều có thể sử dụng mã số định danh công dân, hoặc VNeID để đăng ký dự thi trực tuyến.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; hoàn thành triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình "Công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam" từ năm 2022 và nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác...
Dù vậy, công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn khó khăn do thiếu nhân lực chuyên môn, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu. Do tiến độ cấp kinh phí cần thời gian thẩm định phê duyệt dẫn tới hiện tại điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT chưa đủ điều kiện để kết nối đầy đủ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Do đó, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ ưu tiên chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xem xét, phê duyệt và phân bổ đầy đủ kinh phí cần thiết cho các dự án trọng điểm như Đề án 06; đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT được hoàn thiện đồng bộ, hiện đại và an toàn, nhất là việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.
Chỉ đạo đẩy nhanh quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến Chính phủ số và chuyển đổi số trong giáo dục, nhất là với học bạ số và văn bằng số để tạo hành lang pháp lý vững chắc, đảm bảo an toàn thông tin cho dữ liệu số.
Thời gian tới, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong quá trình triển khai cung cấp các thủ tục hành chính theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ban Cơ yếu Chính phủ cần đẩy nhanh việc cấp phát chứng thư số cho CBQL, giáo viên, đảm bảo việc triển khai chữ ký số được thông suốt; đặc biệt là để học bạ số và các văn bản điện tử khác có đầy đủ giá trị pháp lý.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thời gian Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, các Vụ/Cục liên quan cần phân công người túc trực làm việc với Đoàn trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn để cung cấp thông tin chính xác, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, đồng thời biểu dương những mặt tích cực nhằm đảm bảo mục tiêu nêu ra tại các nghị quyết của Trung ương.