'Cứu' các doanh nghiệp bất động sản đang 'chới với'

Theo Sơn Vân | 14/06/2023, 14:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dữ liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (Vnrea) cho thấy, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn, khoảng 23% doanh nghiệp BĐS sẽ chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và 3% doanh nghiệp trụ được đến hết năm.

"Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS và môi giới BĐS. Thực tế này sẽ khiến nhiều người lao động mất việc làm, hệ lụy đến cuộc sống an sinh xã hội. Hiện nay, có không ít doanh nghiệp chỉ vì cố gắng cầm cự, trong khi khả năng không đủ, đã tự đẩy mình vào bước đường cùng với chồng chất lãi vay...", ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.

Còn theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hoạt động tại các sàn giao dịch BĐS hiện nay gần như tê liệt, trong 5 tháng đầu năm 2023, đã có 554 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước; doanh nghiệp thành lập mới giảm hơn 61%. Riêng quý I/2023, doanh thu của các doanh nghiệp BĐS giảm gần 65%, lợi nhuận sau thuế giảm trên 38%. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu từ các dự án xây dựng dở dang, nhiều dự án buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án...

Gắng gượng

Ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm, để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp BĐS hiện nay cần cân nhắc đến giải pháp mua bán và sáp nhập (M&A), vì trên thực tế, thị trường BĐS vẫn có số đông nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào các dự án tiềm năng. Trong hơn một năm nay, thị trường mua bán và sáp nhập ghi nhận sự tăng nhiệt dần, không ít doanh nghiệp đã mạnh tay chi tiền M&A nhằm tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, cải thiện biên lợi nhuận của mảng kinh doanh.

Trong đó, phải kể đến dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam thời gian tới. Đa số các nhà đầu tư này đều hướng đến các dự án có pháp lý hoàn thiện để tránh rủi ro. Đây là cơ hội để chủ đầu tư đang nắm giữ nhiều dự án "sạch", có thể bán dự án hoặc hợp tác, tạo giá trị lợi ích hai bên. Đây cũng là hướng đi giúp các doanh nghiệp BĐS có thể xoay xở dòng tiền suy trì hoạt động, chờ các tín hiệu chính sách hỗ trợ của Nhà nước khả thi giúp thị trường khởi sắc và tránh khỏi tình trạng giải thể.

Tuy nhiên, để có dòng tiền đầu tư trở thành "cú huých" cho thị trường, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh hoàn thiện và ban hành khung pháp lý, các chính sách khuyến khích đầu tư cho các nhà đầu tư trong ngoài nước. Song song với đó, Nhà nước cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ triệt để các vướng mắc pháp lý cho các dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, ưu tiên các dự án cấp thiết, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam cho hay, sự liên thông giữa thị trường BĐS và xây dựng khá chặt chẽ. Thị trường BĐS cần xây dựng, không có xây dựng sẽ không có dự án, không có bộ mặt đô thị. Thị trường BĐS đang trải qua giai đoạn khốc liệt vì đối đối mặt với quá nhiều khó khăn. Vấn đề thị trường vướng nhất hiện nay là thiếu cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu, nhà đầu tư. Doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để hoạt động, nên khi dòng tiền bị siết chặt, các nhà thầu, chủ đầu tư không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các căn nhà đã xây. Nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp BĐS đối mặt nguy cơ phá sản là hiện hữu.

Do đó, khó khăn của thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương và nội tại các doanh nghiệp.

Theo Báo tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/cuu-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-dang-choi-voi-20230614105929457.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/kinh-te/cuu-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-dang-choi-voi-20230614105929457.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Cứu' các doanh nghiệp bất động sản đang 'chới với'